admin@phapluatdansu.edu.vn

BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN THÔNG QUA THỦ TỤC TỐ TỤNG DÂN SỰ

THS. BÙI THỊ HUYỀN – KHOA LUẬT DÂN SỰ ĐHL HÀ NỘI

Bảo vệ quyền sở hữu tài sản là vấn đề tất yếu nhằm bảo đảm cho chủ sở hữu thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản một cách có hiệu quả và trọn vẹn nhất. Vì vậy, Điều 255 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS) quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật”. Một trong các phương thức bảo vệ quyền sở hữu tài sản có hiệu quả nhất đó là phương thức khởi kiện đến Toà án theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong phạm vi của hội thảo, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản bằng con đường Toà án mà trong thực tiễn áp dụng pháp luật hiện có các quan điểm khác nhau .

1. Thẩm quyền xét xử của Toà án

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, thủ tục giải quyết các tranh chấp, yêu cầu của các chủ thể tại Toà án được chia thành hai thủ tục: Thủ tục giải quyết việc dân sự và thủ tục giải quyết việc dân sự. Ở Việt Nam, trước khi ban hành BLTTDS không có khái niệm vụ việc dân sự mà chỉ có khái niệm vụ án dân sự. Khái niệm vụ án dân sự dùng để chỉ những tranh chấp, yêu cầu phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự (theo nghĩa hẹp), những tranh chấp, yêu cầu phát sinh từ quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình. Cho nên, bên cạnh khái niệm vụ án dân sự còn có các khái niệm vụ án kinh tế, vụ án lao động. BLTTDS ra đời đã thống nhất ba loại thủ tục TTDS, kinh tế, lao động thành thủ tục TTDS và các loại việc được giải quyết tại Toà án theo thủ tục TTDS là vụ việc dân sự. Tuy không đưa ra khái niệm vụ việc dân sự nhưng theo Điều 1 của BLTTDS thì vụ việc dân sự bao gồm: vụ án dân sự và việc dân sự, trong đó việc dân sự là những yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động được Toà án thụ lý, giải quyết (Điều 26, 28, 30, 32 BLTTDS). Còn vụ án dân sự là những tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động được Toà án thụ lý, giải quyết (Điều 25, 27, 29, 31 BLTTDS). Như vậy, các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản được Toà án thụ lý, giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự.

Hiện nay, BLTTDS không quy định giá trị tối thiểu đối với những tài sản có tranh chấp được khởi kiện đến Toà án. Vì vậy, cho dù các đương sự tranh chấp về một vật có giá trị rất nhỏ thì Toà án vẫn phải thụ lý, giải quyết, nếu vật đó là tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, xét từ góc độ hiệu quả kinh tế của việc giải quyết tranh chấp dân sự thì vấn đề giới hạn giá trị của tài sản khi xác định thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Toà án còn có các ý kiến khác nhau.

Hầu hết các tranh chấp về tài sản đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo thủ tục tố tụng dân sự. Song trong một số trường hợp, việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với tài sản còn phụ thuộc vào các giấy tờ pháp lý liên quan đến tài sản đó. Chẳng hạn, đối với tranh chấp về nhà ở liên quan đến chính sách cải tạo nhà, tranh chấp về đất đai mà người sử dụng đất chư được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có một trong các loại giấy tờ theo Điều 50 luật đất đai sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân.

Thông thường tranh chấp về tài sản thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, đối với các tranh chấp về tài sản hiện đang ở nước ngoài hoặc có một trong các đương sự ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp ra nước ngoài thì thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp tỉnh. Thông thường các tranh chấp về tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nơi cư trú của bị đơn. Các đương sự cũng có quyền thoả thuận Toà án nơi cư trú của nguyên đơn để giải quyết tranh chấp (điểm a, b khoản 1 Điều 35 BLTTDS). Riêng đối với tranh chấp về bất động sản, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS thì Toà án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết, các đương sự không có quyền thoả thuận về việc yêu cầu Toà án nơi khác giải quyết, kể cả nơi cư trú của nguyên đơn hoặc bị đơn. Bởi lẽ, bất động sản là một loại tài sản gắn liền với đất đai không thể di dời nên khi giải quyết tranh chấp này, thông thường Toà án phải thực hiện việc xem xét tại chỗ theo yêu cầu của đương sự. Hơn nữa, các giấy tờ tài liệu liên quan đến tài sản này sẽ do các cơ quan có thẩm quyền nơi có bất động sản đó lưu giữ. Vì vậy, Toà án nơi có bất động sản sẽ có điều kiện thực hiện việc xem xét tại chỗ và thu thập các giấy tờ tài liệu liên quan đến tài sản đó một cách tốt nhất.

Các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản là các tranh chấp về quyền chiếm hữu, sử dụng định đoạt tài sản. Tuy nhiên, do tài sản là đối tượng của các giao dich dân sự nên các tranh chấp này thường được biểu hiện dưới các dạng tranh chấp cụ thể về hợp đồng mua bán, hợp đồng cho thuê, bồi thường thiệt hại, về việc phân chia tài sản (kể cả việc tranh chấp về tài sản trong các vụ việc về hôn nhân gia đình). Cho nên, hiện nay có ý kiến khác nhau về việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến bất động sản:

Ví dụ: A (có nơi cư trú tại huyện X tỉnh H) cho B (có nơi cư trú tại huyện Y tỉnh H) thuê một căn nhà tại số 10 huyện Z tỉnh H. Hết hạn hợp đồng B không trả nhà cho A.

Ý kiến thứ nhất: Đây là tranh chấp về hợp đồng thuê nhà nên Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Toà án nơi cư trú của bị đơn (huyện Y tỉnh H).

Ý kiến thứ hai: Đây là tranh chấp về về bất động sản nên Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phải là Toà án nơi có bất động sản (huyện Z tỉnh H).

Theo chúng tôi, đây là tranh chấp về hợp đồng thuê tài sản nhưng đối tượng của hợp đồng thuê nhà lại là bất động sản. Để giải quyết vụ án này một cách tốt nhất, Toà án phải thực hiện việc xem xét tại chỗ, kiểm tra các giấy tờ tài liệu liên quan đến việc thuê nhà. Vì vậy, quan điểm thứ hai là hợp lý hơn.

2. Xác định tư cách của các đương sự

Các đương sự trong vụ án dân sự bao gồm: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Việc xác định tư cách của các đương sự căn cứ vào Điều 56 BLTTDS. Tuy nhiên, đối với việc xác định tư cách của các đương sự trong vụ án bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản thông qua hợp đồng có đền bù còn có các ý kiến khác nhau.

Ví dụ: A cho B mượn chiếc xe đạp, B bán cho C.

Ý kiến thứ nhất: Theo quy định tại Điều 56 BLTTDS: “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật nàyquy định khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyền đơn bị người đó xâm phạm”. Do đó, A có quyền khởi kiện C để đòi lại chiếc xe đạp vì A là chủ sở hữu chiếc xe và C là người giả thiết đã xâm phạm quyền sở hữu của A. Toà án phải xác định A là nguyên đơn, C là bị đơn, B là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Ý kiến thứ hai: Theo điều 257 BLDS thì trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản thông qua “hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu tài sản có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hợc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”. Vì vậy, A không có quyền đòi lại chiếc xe của C mà A chỉ có quyền yêu cầu B bồi thường giá trị của chiếc xe. Toà án phải xác định A là nguyên đơn, B là bị đơn, C là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Nếu B và C tranh chấp với nhau về hợp đồng mua bán chiếc xe thì B sẽ là nguyên đơn, C là bị đơn, A là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo chúng tôi, Điều 56 BLTTDS quy định: “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyền đơn bị người đó xâm phạm”. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa bị đơn khởi kiện ai thì người đó là bị đơn. Trong nhiều trường hợp do không hiểu biết pháp luật nguyên đơn đã khởi kiện không đúng. Do đó, để đảm bảo việc giải quyết đúng đắn vụ án Toà án phải xác định đúng tư cách của các đương sự. Đối với tranh chấp về sở hữu tài sản, việc xác định tư cách của các đương sự còn phải dựa vào phương thức mà người khởi kiện khởi kiện đến Toà án theo quy định của BLDS. Vì vậy, chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai.

Trên đây là hai vấn đề có các quan điểm khác nhau trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, chúng tôi rất mong nhận được sự trao đổi của các quý vị.

Các bài viết cùng tác giả: http://phapluatdansu.edu.vn/?s=%22B%C3%B9i+Th%E1%BB%8B+Huy%E1%BB%81n%22

——————————————————————

CHUYÊN ĐỀ CHO HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG DO BỘ MÔN LUẬT DÂN SỰ – KHOA LUẬT DÂN SỰ – ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI TỔ CHỨC VÀO NGÀY 11/12/2007

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading