admin@phapluatdansu.edu.vn

BẢO VỆ PHỤ NỮ – SỰ TIẾN BỘ CỦA BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC

Vào thế kỷ 15 khi mà Nho giáo đã trở thành quốc giáo, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị cũng như tư tưởng, tình cảm của mọi tầng lớp trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ thì người phụ nữ chỉ được coi như một công cụ biết nói , họ phải phục tùng vô điều kiện những yêu cầu của người chồng, người cha trong gia đình.

Những quy định luật pháp mà Nhà vua đặt ra cũng được xây dựng trên quan điểm Nho giáo – hôn nhân không có sự tự do và hầu như không có tình yêu, cha , mẹ đặt đâu con ngồi đấy, đặc biệt rất khắt khe đối với người phụ nữ. Bởi giữa nam và nữ trong xã hội phong kiến không có sự bình đẳng, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, trai năm thê, bảy thiếp, Vai trò, quyền lực của người đàn ông trong gia đình gần như là tuyệt đối. Thế nhưng những quy định về hôn nhân và gia đình trong Bộ luật Hồng Đức (BLHĐ) lại trao cho người phụ nữ những quyền rất quan trọng, rất mới và rất tiến bộ, chưa một chế độ phong kiến nào từ phương Đông đến phương Tây nào dám nghĩ đến:

– Quyền được xin ly hôn: Theo quy định của Bộ luật Hồng Đức (BLHĐ), người vợ được xin ly hôn trong trường hợp người chồng không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình như người chồng không quan tâm, bỏ bê vợ trong một thời gian dài; hoặc người chồng vượt qúa quyền của mình, vô phép đối với nhạc phụ, nhạc mẫu thì không những là bất hiếu mà còn bất nghĩa đối với vợ, người vợ có quyền xin ly hôn: “Nếu con rể lấy chuyện phi lý mà mắng nhiếc cha, mẹ vợ, đem việc thưa quan sẽ cho ly dị…” (Điều 333 – BLHĐ).

Trong một số trường hợp cụ thể, quyền lợi của người phụ nữ cũng được ưu tiên bảo vệ như: khi đã đính hôn nhưng người con trai chẳng may bị ác tật, phạm tội hay phá sản thì người con gái vẫn có quyền khước từ trả lại đồ sính lễ, người con trai không có quyền đòi lại của.

Người phụ nữ, người vợ còn có quyền được hưởng tài sản sau khi ly hôn, đó là các trường hợp: Ly hôn không do lỗi của người vợ và hai vợ chồng không có con thì vợ, chồng mỗi người có quyền sở hữu số tài sản ruộng đất riêng của mình có trước thời kỳ hôn nhân và và 1/2 số tài sản ruộng đất do hai vợ, chồng tạo nên trong thời kỳ hôn nhân. Khi người chồng chết, người vợ được xếp vào hàng thừa kế thứ nhất và có quyền giữ nguyên quyền sở hữu cá nhân đối với tài sản riêng của mình và 1/2 số tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân. (Quyền được sở hữu tài sản riêng, quyền đồng sở hữu đối với tài sản chung của hai vợ chồng).

– Một điều đặc biệt của BLHĐ là quyền được chia gia tài của con gái cũng ngang bằng với con trai (Điều 388); Không có con trai cũng không có nghĩa là không có người thừa tự, vì Điều 391 quy định: trong trường hợp gia đình không có con trai thì con gái cũng có quyền thừa kế hương hoả.

Mặc dù một số quy định nêu trên đôi khi chỉ mang tính hình thức về quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nhưng đặt trong điều kiện kinh tế – xã hội của xã hội phong kiến Việt Nam thời kỳ đó thì đây là những quy định hết sức tiến bộ trong tiến trình lập pháp Việt Nam.

Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2000 đã quy định những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình như sau: Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con thành công dân có ích cho xã hội; con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ; cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà; các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú; Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ.

Ngọc Anh – HAIPHONG.GOV.VN

One Response

  1. so sanh luat hong duc va luat gia long

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d