Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

VỀ CHẾ ĐỊNH HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Advertisements

Trần Văn Biên – Phòng Nghiên cứu Tư pháp Dân sự, Viện Nhà nước và pháp luật

Sau gần 10 năm thi hành, các quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo lập hành lang pháp lý cho các ứng xử của các chủ thể khi tham gia vào các giao dịch dân sự, góp phần lành mạnh hoá các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, BLDS 1995 cũng đã bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung. Bài viết dưới đây xin đóng góp một số ý kiến về chế định hợp đồng vay tài sản (HĐVTS) trong Dự thảo BLDS (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp đầu tiên của năm 2005

Trong BLDS 1995, chế định HĐVTS được quy định tại Phần thứ ba, chương II, Mục 4, từ Điều 467 đến Điều 475. So với BLDS hiện hành, các quy định về HĐVTS trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) có sự sửa đổi, bổ sung như sau:

– Sửa đổi các điều: Điều 467- Hợp đồng vay tài sản, Điều 470- Nghĩa vụ của bên cho vay, Điều 471- Nghĩa vụ trả nợ của bên vay, Điều 472- Sử dụng tài sản vay, Điều 473- Lãi suất, Điều 474- Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn, Điều 475- Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn;

– Huỷ bỏ hai điều: Điều 468- Hình thức của hợp đồng vay tài sản, Điều 469- Quyền sở hữu đối với tài sản vay;

– Bổ sung mới một điều: Điều 475a- Chơi hụi, họ.

1. Hợp đồng vay tài sản

Đối chiếu với BLDS hiện hành, Điều 467 Dự thảo BLDS (sửa đổi) đã thay câu “chỉ phải trả lãi, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định” bằng “trả lãi theo thoả thuận”.

———————————————————————————————————

Điều 467 của Dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên theo đó bên cho vay giao cho bên vay một khoản tiền hoặc vật; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả tiền lãi hoặc vật cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và trả lãi theo thoả thuận”.

———————————————————————————————————

Trong HĐVTS, điều khoản về đối tượng là một trong những điều khoản chủ yếu, nó là căn cứ để thực hiện các điều khoản khác. Theo Điều 476, đối tượng của HĐVTS có thể là tiền hoặc vật (thực tiễn xét xử thường là tiền). Theo định nghĩa tiền tệ của Luật Ngân hàng nhà nước thì  tiền bao gồm tiền giấy, tiền kim loại và các giấy tờ có giá trị như tiền (1). Như vậy, bên cạnh đối tượng vay phổ biến là đồng nội tệ (VND) thì ngân phiếu, cổ phiếu, trái phiếu… cũng có thể là đối tượng của HĐVTS. Và có một vấn đề đặt ra, ngoại tệ có được xem là đối tượng của HĐVTS?

Khoản 2, Điều 1, Nghị định 63/1998/NĐ-CP ngày 17/08/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối quy định: “Tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mọi hoạt động ngoại hối của tổ chức, cá nhân phải tuân theo các quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Ngoại hối chỉ được lưu hành qua hệ thống ngân hàng, tổ chức và cá nhân được phép hoạt động ngoại hối”. Và tại Thông tư số 01/1999/TT- NHNN, ngày 16/04/1999 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành Nghị định 63 nêu rõ: “Trên lãnh thổ Việt Nam, nghiêm cấm người cư trú, người không cư trú là tổ chức, cá nhân mua bán, thanh toán, cho vay với nhau bằng ngoại tệ và niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ bằng ngoại tệ trừ trường hợp được phép quy định trong Thông tư này”.

Theo Nghị định về quản lý ngoại hối, cá nhân, tổ chức không được tự do mua bán, thanh toán, cho vay với nhau bằng ngoại tệ trừ trường hợp… đến khi các bên có tranh chấp và kiện nhau ra Toà án, lúc đó hợp đồng mới bị tuyên là vô hiệu. Theo chúng tôi, việc Nhà nước ban hành những quy định nhằm hạn chế việc sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch, nhưng thực tế nó vẫn diễn ra và diễn ra khá phổ biến, thì chúng ta nên thừa nhận việc sử dụng đó. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, việc quy định khá chặt chẽ như vậy sẽ làm giảm phần nào sức mua bán, tiêu dùng và các giao dịch khác trong đời sống xã hội. Còn nếu vì một lý do nào đó (đảm bảo quản lý nhà nước về ngoại hối, ổn định thị trường tiền tệ, tránh tình trạng đôla hay euro hoá thị trường tiền tệ…) mà vẫn cần giữ quy định này, thì chúng ta cần cụ thể hoá vào trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) để nó phát huy hơn nữa hiệu quả điều chỉnh. Bởi ở nước ta, người dân ít tiếp xúc với văn bản luật, nếu có tiếp xúc thì thường là các bộ luật, luật, còn các văn bản dưới luật (văn bản hướng dẫn thi hành luật) thì ít ai biết đến.

Mặt khác, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung BLDS lần này theo hướng là Bộ luật chung điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm. Do vậy, BLDS cần quy định các nguyên tắc chung nhất về hợp đồng. Các quy định về HĐVTS cần phải bao quát cả đến các quan hệ cho vay giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng, mà theo pháp luật ngân hàng, tổ chức tín dụng là tổ chức được phép hoạt động ngoại hối. Vì thế, việc bổ sung thêm đối tượng là ngoại tệ vào Điều 467 là cần thiết.

Bên cạnh đó, Điều 467 của Dự thảo BLDS (sửa đổi) cũng cần quy định cụ thể và tách bạch các đối tượng là vàng, kim khí quý, đá quý, không nên để nó bao gồm trong đối tượng là vật. Bởi vàng, kim khí quý, đá quý là những tài sản có giá trị đặc biệt, đối với vàng tiêu chuẩn quốc tế theo quy định của pháp luật ngân hàng nó còn là ngoại hối và được quản lý theo quy chế giống như là ngoại tệ mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Việc quy định tách bạch như vậy còn nhằm giải quyết vấn đề lãi suất trong các HĐVTS có đối tượng là vàng – một vấn đề mà BLDS và pháp luật hiện hành vẫn còn bỏ ngỏ (2), nhưng cũng chưa được Dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định.

Từ những phân tích trên, chúng tôi đề nghị Điều 467 của Dự thảo BLDS (sửa đổi) nên được viết lại như sau:

1. Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên theo đó bên cho vay giao cho bên vay một khoản tiền là nội tệ hoặc ngoại tệ, các giấy tờ có giá như tiền, vàng, kim khí quý, đá quý hoặc vật; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả tiền lãi hoặc vật cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và trả lãi theo thoả thuận;

2. Đối với những hợp đồng vay tài sản có đối tượng là ngoại tệ khi giao kết phải tuân theo quy định pháp luật của nhà nước về quản lý ngoại hối3.

2. Hình thức của hợp đồng vay tài sản

Thực tế xét xử cho thấy, các HĐVTS giao kết bằng lời nói nhiều hơn các hợp đồng giao kết bằng văn bản. Đối với những HĐVTS giao kết bằng lời nói nếu không có bên thứ ba làm chứng, đã tạo rất nhiều khó khăn cho thẩm phán trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp.

—————————————————————————————————–

Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát giải quyết án về HĐVTS năm 1998 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao: “Về nội dung của bản kết luận cần phân tích, đánh giá tình tiết của vụ án, đặc biệt là chú ý đến nội dung bản hợp đồng vay tài sản (nếu có bản hợp đồng). Nếu chỉ là hợp đồng miệng cần chú ý các lời khai của các bên liên quan đến việc vay tài sản, từ đó đánh giá những nội dung mà hai bên thống nhất (tài sản gốc, lãi). Những trường hợp chỉ một bên khai hoặc tuy hai bên có khai nhưng có mâu thuẫn, thì thông thường lời khai của bị đơn (bên vay) là có cơ sở. Trường hợp bên cho vay có khai cho bên vay nhiều khoản tài sản, nhưng có những khoản tài sản Toà án chưa hỏi bên cho vay thì yêu cầu làm rõ trước khi kết luận vụ án. Trường hợp đối tượng tài sản mà nhà nước cấm giao dịch thì trong kết luận cần căn cứ Điều 137 BLDS để yêu cầu Toà án xử huỷ bỏ hợp đồng vì vô hiệu và tịch thu tài sản giao dịch sung quỹ nhà nước hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết”.

———————————————————————————————

Nhìn ra một số nước, pháp luật về hợp đồng của họ quy định với tài sản vay có giá trị là bao nhiêu thì hợp đồng vay phải giao kết dưới hình thức văn bản. Ví dụ, Điều 653, Bộ Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định nếu vay quá 50 bạt thì phải thành lập văn bản. Còn ở Trung Quốc, theo Điều 197 Luật Hợp đồng, thì việc vay tiền dùng hình thức văn bản, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, thường là đối với những hợp đồng có giá trị tiền vay nhỏ.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, Dự thảo BLDS (sửa đổi) không nên huỷ bỏ điều này, mà cần quy định chi tiết hơn về hình thức của HĐVTS để tạo điều kiện thuận lợi cho Toà án có cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐVTS; đồng thời đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của các bên, bên vay không còn lý do để từ chối việc vay mượn của mình, còn bên cho vay không thể ép buộc bên vay hoặc lợi dụng giấy tờ vay nợ không rõ ràng để đi đòi nợ; theo hướng: với giá trị tài sản bao nhiêu thì HĐVTS phải được lập thành văn bản, chẳng hạn như:

Điều 468- Hình thức hợp đồng vay tài sản

1. Hợp đồng vay tài sản có thể được giao kết bằng lời nói hoặc bằng văn bản;

2. Nếu tài sản trong hợp đồng vay có giá trị từ 1.000.000 đồng trở lên thì hợp đồng phải được lập thành văn bản.

3. Nghĩa vụ của bên cho vay

So với BLDS hiện hành, Điều 470 trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) không quy định nghĩa vụ của bên cho vay một cách chung chung mà quy định nghĩa vụ của bên cho vay đối với từng trường hợp tài sản trong hợp đồng vay là tiền hay vật, vay vật có lãi và vay vật không có lãi. Tuy nhiên, trong điều luật này cần bổ sung thêm một khoản quy định nghĩa vụ của bên cho vay không được nhập lãi vào nợ gốc để tính lãi vào thời gian tiếp theo nhằm bảo vệ người vay- bên yếu thế về kinh tế. Trong dân luật truyền thống, việc chủ nợ lợi dụng sự khó khăn của con nợ bắt con nợ làm lại văn tự và “đập lãi thành vốn” để tăng thêm số tiền cho vốn vay mà vẫn có thể tiếp tục thu lãi được gọi là hình thức cho vay phúc lợi. ở nước ta, dưới triều Lê, hình thức cho vay này bị nghiêm cấm. Nếu chủ nợ tính gồm lãi vào gốc, rồi bắt làm văn tự lại, thì họ phải chịu hình phạt nặng hơn sự lạm thu tiền lãi trái phép một bậc4. Thiết nghĩ, đây là một giá trị của cổ luật mà chúng ta nên kế thừa khi sửa đổi BLDS lần này. Việc Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/06/1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viên kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về hướng dẫn xét xử và thi hành án về tài sản đã chấp nhận để các bên có thể nhập lãi vào nợ gốc để tính lãi vào thời gian tiếp theo là không phù hợp với tinh thần của Điều 4, Điều 135 của BLDS hiện hành, cũng như không phù hợp với truyền thống và bản chất nhân đạo trong pháp luật của Nhà nước ta.

Do đó, Điều 470 của Dự thảo BLDS (sửa đổi) nên quy định như sau:

Điều 470- Nghĩa vụ của bên cho vay

Bên cho vay có các nghĩa vụ sau đây:

1. Trong trường hợp cho vay tài sản là tiền hoặc các giấy tờ có giá như tiền, thì phải giao tiền cho bên vay đầy đủ, đúng thời hạn đã thoả thuận;

2. Trong trường hợp tài sản cho vay là vàng, kim khí quý, đá quý hoặc vật, thì phải giao tài sản đúng số lượng, chất lượng, thời điểm và tại địa điểm đã thoả thuận, nếu:

a. Vay không có lãi mà tài sản vay không bảo đảm chất lượng do có khuyết tật, nếu bên cho vay ngay tình không biết về khuyết tật của tài sản, thì bên cho vay không có nghĩa vụ đổi lại tài sản vay; trong trường hợp bên cho vay biết tài sản có khuyết tật mà vẫn cho vay, thì phải đổi lại tài sản;

b. Vay có lãi mà tài sản không đảm bảo chất lượng, thì bên cho vay có nghĩa vụ đổi lại tài sản vay và bồi thường thiệt hại.

3. Đối với hợp đồng vay tài sản có lãi, khi đến hạn trả nợ mà bên vay không thực hiện nghĩa vụ, thì bên cho vay không được thoả thuận với bên vay nhập lãi vào nợ gốc để tính lãi vào thời gian tiếp theo.

4. Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 475 của Bộ luật này.

4. Nghĩa vụ của bên vay

Dự thảo BLDS (sửa đổi) cũng quy định tách bạch nghĩa vụ của người vay trong trường hợp vay tài sản là tiền và vật.

Khoản 5, Điều 471 của Dự thảo BLDS (sửa đổi) tương ứng với khoản 4, Điều 471 của BLDS hiện hành quy định: “Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ, thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả t-ơng ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ trừ trường hợp có thoả thuận khác”.

ở đây, Dự thảo BLDS (sửa đổi) không quy định lãi suất đối với khoản nợ chậm trả đó là bao nhiêu, trong BLDS hiện hành lãi suất đối với khoản nợ chậm trả này được tính theo lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn của Ngân hàng nhà nước. Nếu quy định không rõ ràng như thế, khi các bên có tranh chấp, Toà án sẽ không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Tôi cho rằng, Dự thảo BLDS (sửa đổi) cần quy định lãi suất trong trường hợp này được tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố. Do đó, Điều 471 Dự thảo BLDS (sửa đổi) nên viết lại là:

Điều 471- Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền hoặc các giấy tờ có giá như tiền, thì phải trả đủ tiền hoặc các giấy tờ có giá như tiền khi đến hạn;

2. Trong trường hợp vay tài sản là vàng, kim khí quý, đá quý hoặc vật, thì phải trả tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác;

3. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật hoặc các tài sản khác không phải là tiền, thì có thể trả bằng tiền theo theo giá trị của vật hoặc tài sản đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý;

4. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác;

5. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ, thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;

6. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ, thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc tương đương với thời hạn vay và thời hạn chậm trả (5) tại thời điểm trả nợ, trừ trường hợp thoả thuận khác.

5. Lãi suất

Lãi suất trong HĐVTS là tỷ lệ nhất định mà bên vay phải trả thêm vào số tài sản đã vay trên một đơn vị thời gian, nếu các bên có thoả thuận về việc trả lãi hoặc pháp luật quy định về việc trả lãi. Lãi suất thường được tính theo tuần, tháng hoặc năm do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định. Căn cứ vào lãi suất, số lượng tài sản vay và thời gian vay mà bên vay phải trả một khoản lãi thường là bằng tiền, nhưng cũng có trường hợp các bên thoả thuận với nhau trả lãi bằng tài sản quy đổi, ví dụ như vay gỗ trả lãi bằng phân đạm.

Quy định về lãi suất tại Điều 473 của BLDS hiện hành có nhiều điểm không phù hợp, vừa thiếu, vừa mâu thuẫn với các quy định khác trong hệ thống pháp luật, gây nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp (6).

Thứ nhất, mức lãi suất: nếu quy định cách tính lãi suất theo lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng th-ơng mại đối với loại cho vay t-ơng ứng và lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn trung bình do các ngân hàng thương mại ấn định, sẽ làm mất nhiều thời gian của Toà án khi giải quyết các tranh chấp về HĐVTS. Hiện nay ở nước ta, nếu kể tên tất cả các ngân hàng thương mại thuộc hai loại hình: ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng th-ơng mại cổ phần, thì con số này lên tới trên 40. Khoản 1, Điều 473 của Dự thảo BLDS (sửa đổi) chỉ quy định chung chung như vậy, khi xét xử, Toà án sẽ không biết chọn mức lãi suất của ngân hàng thương mại nào và tất nhiên dẫn đến việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất. Theo khoản 2, nếu các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất, thẩm phán sẽ mất rất nhiều thời gian tìm hiểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm của từng ngân hàng thương mại rồi cộng lại chia trung bình ra mức lãi suất áp dụng cho vụ án. Hiện nay đối với từng thời điểm nhất định, Ngân hàng nhà nước thường công bố lãi suất cơ bản trên cơ sở tham khảo mức lãi suất cho vay th-ơng mại đối với khách hàng tốt nhất của nhóm các tổ chức tín dụng được lựa chọn, để các tổ chức tín dụng tham khảo và định hướng lãi suất thị trường. Dự thảo BLDS (sửa đổi) nên lấy mức lãi suất cơ bản này làm tiêu chuẩn để quy định cách tính lãi suất tại Điều 473.

Thứ hai, việc tính lãi đối với hợp đồng vay tài sản là vàng vẫn đang bị bỏ ngỏ. Theo điểm 5, mục I, Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/06/1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính Vè việc hướng dẫn xét xử và thi hành án về tài sản: “Trong trường hợp đối tượng HĐVTS là vàng, thì lãi suất chỉ được chấp nhận khi Ngân hàng nhà nước quy định”. Tuy nhiên, thực tế chưa có văn bản nào của Ngân hàng nhà nước quy định về vấn đề này dẫn đến việc xét xử tranh chấp về hợp đồng vay vàng có lãi suất gặp nhiều vướng mắc, mặc dù các bên có thoả thuận trên cơ sở bình đẳng và tự nguyện. Đề nghị Ban soạn thảo phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để có quy định cụ thể về vấn đề này.

Thứ ba, giới hạn thu lãi: trong cổ luật nước ta, để bảo vệ bên vay, ngoài việc quy định chủ nợ không được thu quá lãi suất tối đa do luật định, nhà làm luật còn ấn định một giới hạn tối đa về tiền lãi: “…bất luận thời hạn vay dài bao nhiêu năm, cũng không được tính tiền lãi quá một gốc mỗi lãi”(7) hay “…chủ nợ chỉ có thể đòi tiền vốn và một số tiền lãi ngang với tiền vốn”(8). Dự thảo BLDS (sửa đổi) nên tham khảo kế thừa giá trị của cổ luật vào Điều 473.

6. Hợp đồng vay không kỳ hạn và có kỳ hạn

Để thống nhất về mặt khái niệm, Dự thảo BLDS (sửa đổi) cần sửa đổi các cụm từ “hợp đồng vay không kỳ hạn” “hợp đồng vay có kỳ hạn” thành “hợp đồng vay không xác định thời hạn” “hợp đồng vay có xác định thời hạn”. Liên hệ với pháp luật ngân hàng khi quy định về hợp đồng cho vay tín dụng – một hợp đồng gần gũi vớiHĐVTS trong BLDS ta sẽ thấy rõ điều này.

“Thời hạn cho vay khoảng thời gian được tính từ khi khách hàng bắt đầu nhận vốn vay cho đến thời điểm trả hết nợ gốc và lãi vốn vay đã được thoả thuận trong hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng”(9). Còn “kỳ hạn trả nợ là các khoảng thời gian trong thời hạn cho vay đã được thoả thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng mà tại cuối mỗi khoảng thời gian đó khách hàng phải trả một phần hoặc toàn bộ vốn vay cho tổ chức tín dụng” (10).

Như vậy, theo cách định nghĩa trên, thời hạn cho vay và kỳ hạn trả nợ có điểm giống nhau: đều là căn cứ xác định thời điểm để bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình. Tuy nhiên, giữa chúng có điểm khác nhau:

– Nếu thời hạn cho vay là một khoảng thời gian, thì kỳ hạn là các khoảng thời gian trong thời hạn cho vay;

– Hết thời hạn cho vay, bên vay có nghĩa vụ trả hết nợ gốc và lãi cho bên cho vay; còn đến kỳ hạn bên vay chỉ có nghĩa vụ trả một phần trong toàn bộ tài sản vay.

Tuy nhiên, có trường hợp các bên không có thoả thuận về kỳ hạn trả nợ, khi hết thời hạn cho vay thì đồng thời cũng đến kỳ hạn trả nợ. Trong trường hợp này, thời hạn cho vay trùng với kỳ hạn trả nợ bên vay có nghĩa vụ phải trả hết nợ gốc và lãi. Nếu hiểu theo cách này, thì việc đồng nhất khái niệm thời hạn cho vay và kỳ hạn như trong BLDS hiện hành cũng như trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) là không chính xác./.

=================================================================

1. Khoản 1, Điều 9 của Luật Ngân hàng nhà nước năm 1997 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2003)

2 .Xem Trần Văn Biên, Một số vuớng mắc trong việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản liên quan đến
trả lãi và lãi suất, Tạp chí Nhà n-ớc và Pháp luật, số 11/2001.
3. Nếu việc hạn chế sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch đ-ợc sửa đổi theo h-ớng thông thoáng, thì có thể bỏ đoạn
này.

4. Đoạn cuối của Điều 587, Bộ luật Hồng Đức.

5. Khoản 6 Điều 471 Dự thảo BLDS (sửa đổi) cần bổ sung thêm đoạn được kẻ dưới thời hạn chậm trả để đảm

bảo quyền lợi của bên cho vay, cũng như nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay.

6. Cụ thể hơn xem: Trần Văn Biên, Một số vướng mắc trong việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản

liên quan đến trả lãi và lãi suất, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11/2001.

7. Điều 587 Bộ luật Hồng Đức.

8. Điều 134 Bộ luật Gia Long.

9. Khoản 2, Điều 3 của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng (Ban hành theo Quyết định số

1627/2001/QĐ-NHNN, ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước).

10.  Khoản 3, Điều 3 của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng (Ban hành theo Quyết định số

1627/2001/QĐ-NHNN, ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước).

————————————————————————————————————

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 9/2004

BÀI VIẾT CÓ LIÊN QUAN VỀ HỢP ĐỒNG: 1. MỘT SỐ VƯỚNG MẮC LIÊN QUÁN ĐẾN HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ 2. MỐI QUAN HỆ GIỮA CHẾ ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ LUẬT HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG; 3. MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ HỢP ĐỒNG; 4. Chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự (Dự thảo sửa đổi) và Luật Thương mại (Dự thảo sửa đổi); 5. HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH KHÔNG THỂ XEM LÀ HỢP ĐỒNG PHỤ CỦA HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG; 6. THỦ TỤC CÔNG CHỨNG CÁC HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH VỀ BẤT ĐỘNG SẢN – LIỆU ĐÃ PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ; 7. BÌNH LUẬN CHẾ ĐỊNH GIAO DỊCH VỀ NHÀ Ở TRONG LUẬT NHÀ Ở NĂM 2005; 8. TÍNH LOGIC CỦA MỘT HỢP ĐỒNG KINH DOANH; 9.HỢP ĐỒNG QUYỀN CHỌN (OPTION CONTRACT); 10. XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT TRONG HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ (2); 11. HỢP ĐỒNG TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG 12. CẦN SỬA ĐỔI MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ CHO PHÙ HỢP VỚI THỂ CHẾ CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI WTO; 13. VỀ CHẾ ĐỊNH HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN; 14. VẤN ĐỀ HỦY BỎ, ĐÌNH CHỈ HỢP ĐỒNG DO VI PHẠM; 15. HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH HỢP ĐỒNG; 16. GIẢI QUYẾT HỢP ĐỒNG MUA BÁN QUỐC TẾ; 17. NỘI DUNG CỦA HỢP ĐỒNG DÂN SỰ ;18. HÌNH THỨC CỦA HỢP ĐỒNG KINH DOANH – YẾU TỐ KHÔNG THỂ XEM NHẸ 

Exit mobile version