admin@phapluatdansu.edu.vn

ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC Ở CHLB ĐỨC

PHẠM HỒNG TUNG

Nói đến nước Đức là chúng ta nghĩ ngay đến nhiều nhà khoa học lỗi lạc như W. Hegel, A. K. Marx, M. Weber, Humboldt… và một quốc gia có nền học thuật được coi là thuộc loại phát triển nhất châu Âu. Có được những thành tựu này là do CHLB Đức đã tổ chức một hệ thống giáo dục đại học theo mô hình tinh hoa bên cạnh đại học đại trà. Bài viết giới thiệu vài nét về hệ thống giáo dục đại học của Đức và một số bài học kinh nghiệm về phương thức kiểm tra, đánh giá; liên kết đào tạo – nghiên cứu; đào tạo nhà quản lý, chính khách. Với những kinh nghiệm này của Đức, chúng tôi hy vọng sẽ phần nào giúp ích cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục của Việt Nam hiện nay.

Vài nét về giáo dục đại học của Đức

Trước Chiến tranh thế giới I, nền giáo dục đại học của Đức đã thuộc loại phát triển nhất châu Âu và là nơi đào tạo ra nhiều nhân tài kiệt xuất, như W. Hegel, A. K. Marx, M. Weber, Humboldt… Nhưng đến đầu thế kỷ XX, sự phát triển của Đức ngày càng ngả theo khuynh hướng quân phiệt hoá. Không khí bạo lực bao trùm xã hội Đức trong suốt hơn 3 thập kỷ đã khiến cho nhiều nhà khoa học người Đức và người Do Thái phải rời bỏ Đức tới Mỹ, Áo và một số nước khác. Vì mục đích chạy đua vũ trang, Nhà nước Đức cũng tập trung đầu tư cho một số lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) và trước Thế chiến II, nước Đức cũng sở hữu một đội ngũ các nhà KH&CN xuất sắc. Tuy nhiên, ngay đêm trước khi Thế chiến II bùng nổ và nhất là sau khi nước Đức bị đánh bại, phần lớn các nhà khoa học này đã di cư sang Mỹ.

Sau khi nền kinh tế Đức phục hồi vào những năm 50 của thế kỷ XX, CHLB Đức tập trung phát triển hệ thống giáo dục đại học theo mô hình đại học tinh hoa (Elite Universitaet). Quy mô các trường nhìn chung là nhỏ (chỉ đào tạo khoảng 5 đến 10 nghìn sinh viên) được cấu trúc theo cơ chế đại học chuyên ngành, nhằm đào tạo các nhà KH&CN đỉnh cao. Sau gần 2 thập kỷ phát triển, đến đầu những năm 70, CHLB Đức đã có hơn 20 trường đại học thuộc loại hàng đầu thế giới như Đại học tổng hợp Munich, Bielefeld, Kiel, Aachen, Tuebingen, Koeln, Heidelberg… Đây là những trường hướng tới mục tiêu đào tạo nhân tài và thực sự là những lò tôi luyện nhân tài chủ yếu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, y học và công nghệ.

Kể từ giữa những năm 70, nền giáo dục đại học Đức bắt đầu chuyển sang hướng phát triển các trường đại học đại chúng (Masse Universitaet) nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có đào tạo chuyên nghiệp khổng lồ của nền kinh tế CHLB Đức. Nhiều trường đại học quy mô lớn xuất hiện như Đại học tổng hợp Ruhr – Bochum với số sinh viên đạt trên 50.000, Đại học kỹ thuật Munich cũng có số sinh viên trên 40.000. Đặc biệt, hàng trăm trường đại học chuyên ngành (Fachhochschule) đã xuất hiện. Các trường đại học tinh hoa tuy vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng bên cạnh việc đào tạo đỉnh cao cũng phải mở rộng quy mô, mở thêm ngành đào tạo mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động kỹ thuật.

Tuy chuyển nhanh sang mô hình đại học đại chúng, nhưng về căn bản thì hệ thống đại học của Đức vẫn là hệ thống giáo dục chuyên nghiệp hướng tới chọn lựa và đào tạo nhân tài. Ngay từ bậc học phổ thông, người ta đã bắt đầu phân luồng học sinh. Sau bậc học Grundschule (từ lớp 1 đến lớp 6), học sinh phổ thông được chia làm 2 luồng: Luồng thứ nhất là Realschule dành cho những học sinh có năng lực trung bình khá trở xuống, sẽ tiếp tục học hết bậc phổ thông trung học theo chương trình đại trà. Sau khi tốt nghiệp, những học sinh trường Realschule chỉ được nhận vào học các trường học nghề và cao đẳng (Berufsschule, Fachschule) chứ không được nhận vào học đại học. Luồng thứ hai là những học sinh có học lực khá, giỏi sẽ được vào học tại các trường Gynasium. Sau 13 năm học, khi tốt nghiệp họ được nhận bằng Tú tài (Abitur) và chỉ khi đó mới được xét vào học tại các trường đại học.

Một đặc điểm quan trọng bậc nhất của hệ thống giáo dục đại học của CHLB Đức là hệ thống đại học công lập. Cho tới nay, trên 80% số trường đại học Đức vẫn là đại học công lập. Chỉ có một số đại học tư mới xuất hiện trong những năm cuối thế kỷ XX. Nhờ đặc điểm này mà Nhà nước Đức có thể chủ động điều chỉnh chiến lược giáo dục đại học. Tuy nhiên, Nhà nước CHLB Đức lại được tổ chức theo thiết chế Liên bang, trong đó các tiểu bang vẫn có quyền tự chủ rất cao trong chính sách giáo dục. Vì vậy, các nội dung, chương trình và phương thức tổ chức đào tạo của các trường đại học Đức trong các tiểu bang có sự khác biệt đáng kể. Tình hình này chủ yếu diễn ra tại các trường đại học chuyên ngành và các trường đại học đại chúng. Còn đối với các đại học tinh hoa, mà từ khoảng cuối thập kỷ 80 đều chuyển nhanh sang mô hình trường đại học nghiên cứu như Đại học tổng hợp Humboldt, Bielefeld, Munich, Hamburg, Passau, Muenster… thì các chương trình đào tạo và phương thức tổ chức đào tạo đều hướng tới đào tạo nhân tài theo các chuẩn mực chung và rất cao, sánh ngang với các đại học hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản…

Phương thức tổ chức nền giáo dục đại học của CHLB Đức như trên tuy có nhiều ưu điểm, nhất là trong việc đào tạo và phát triển nhân tài trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, nhưng gần đây cũng bộc lộ một số nhược điểm: Việc một thời gian dài không chấp nhận đại học tư đã khiến cho hệ thống giáo dục đại học trở nên bảo thủ, trì trệ, lệ thuộc nặng nề vào Nhà nước Liên bang và chính quyền các tiểu bang. Do các trường đại học chậm điều chỉnh chiến lược và cơ cấu đào tạo nên đến cuối thế kỷ XX, nước Đức đã bị lạc hậu so với Mỹ và Nhật Bản trong một số ngành KH&CN mũi nhọn như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Để bù đắp nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các chuyên gia lập trình, từ năm 1997 chính phủ Đức đã phải đưa ra quy chế cấp “thẻ xanh” cho phép các chuyên gia lập trình di cư tới Đức (chủ yếu từ Ấn Độ) được nhập cư vĩnh viễn.

Một vài bài học kinh nghiệm

Tập trung kiểm tra, đánh giá theo sở trường: Nói đến phương thức đào tạo nhằm hướng tới phát triển tài năng cá nhân của sinh viên tại các đại học tinh hoa của Đức, cần nhấn mạnh nguyên tắc kiểm tra, đánh giá năng lực học tập của sinh viên là: Tập trung kiểm tra, đánh giá đúng vào kỹ năng, năng lực hoặc phần kiến thức mà sinh viên tự cho là họ giỏi nhất, chứ không tập trung vào những chỗ mà thầy cho là trò yếu nhất như ở Việt Nam. Cụ thể, do đào tạo theo học chế tín chỉ nên sinh viên tự lập ra lộ trình, kế hoạch học tập cho mình, tự chọn môn học bổ trợ bên cạnh các môn học bắt buộc, tự chọn giáo sư mà họ cho là phù hợp. Sinh viên sẽ chỉ đăng ký thi khi cho rằng mình đã đủ trình độ để thi. Khi đó họ gặp giáo sư, đăng ký trước 2 hoặc 3 vấn đề thuộc nội dung môn học mà họ cho là họ nắm vững nhất. Giáo sư xem xét và sau khi đã được chấp thuận, khi thi thì giáo sư chỉ kiểm tra phần kiến thức đã được đăng ký. Giải thích về cách kiểm tra, đánh giá này, GS Bernhard Dahm thuộc Đại học tổng hợp Passau nói: “Chúng tôi không sợ không nhìn thấy những lỗ hổng kiến thức hoặc chỗ yếu trong năng lực của sinh viên. Khi sinh viên không đăng ký thi vào những vấn đề đó, có nghĩa là họ đã biết rõ họ yếu chỗ nào. Và do đó họ sẽ tự biết cách khắc phục nếu cần thiết. Đối với chúng tôi, quan trọng nhất là đánh giá đúng những chỗ mà họ cho là họ giỏi, là sở trường, xem có thực sự là giỏi, là mạnh không. Sau khi ra ngoài đời, họ sẽ sử dụng những sở trường chứ không mấy ai lại dại dột sử dụng sở đoản của mình cả”.

Gắn kết đào tạo và nghiên cứu trong tổ chức phù hợp: Gần đây tại các trường đại học chuyên ngành, các khoa đã được tổ chức như những department của đại học Mỹ. Trong các Fakultaet thường có một số viện nghiên cứu, các trung tâm và phòng thí nghiệm. Sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh vừa học trên giảng đường, vừa trực tiếp học và tham gia nghiên cứu tại các viện và các phòng thí nghiệm với sự hướng dẫn của các giáo sư. Theo cách tổ chức như vậy, gần như không tồn tại khoảng cách nào giữa hoạt động nghiên cứu và hoạt động đào tạo. Hơn nữa, cách tổ chức Fakultaet đã thực sự tạo điều kiện để hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu (Forschungsgruppe) và đa ngành. Chính các nhóm này cuốn hút sinh viên vào hoạt động nghiên cứu ngay từ rất sớm và thông qua đó họ trưởng thành rất nhanh chóng.

Phân biệt rõ đào tạo nhà quản lý và đào tạo chính khách: Quản lý được coi là một nghề và đội ngũ nhà quản lý được đào tạo một cách chuyên nghiệp tại các trường đại học. Tại các khoa kinh tế học, luật học, xã hội học hoặc tại các học viện hành chính…, người học sẽ được trang bị những tri thức và kỹ năng cơ bản về khoa học học quản lý, khoa học chính trị và khoa học chính sách… Sau đó, tất cả những cán bộ quản lý đều trải qua quá trình rèn luyện trên các cương vị tác nghiệp theo những quy trình được các tiểu bang quy định chặt chẽ. Cán bộ quản lý được quan niệm như những người thừa hành, tác nghiệp chuyên nghiệp, chứ không phải là chính khách. Vì vậy, chính quyền các cấp có thể chuyển từ đảng này sang đảng khác, nhưng bộ máy hành chính thì không có gì thay đổi

Việc đào tạo chính khách được các chính đảng rất quan tâm và được thực hiện thông qua các quỹ của chính đảng đó. Hiện nay, ở Đức có 5 quỹ lớn là: Quỹ Kondrad – Adenauer của Liên minh dân chủ thiên chúa giáo (CDU), Quỹ Hans – Seidel của Liên minh xã hội thiên chúa giáo (CSU), Quỹ Friedrich – Naumann của Đảng dân chủ tự do (FDP), Quỹ Friedrich Ebert của Đảng xã hội Đức (SPD) và Quỹ Rosa – Luxamburg của Đảng dân chủ xã hội chủ nghĩa (PDS). Tất cả các quỹ này đều có Chương trình hỗ trợ tài năng (Begabtenfoeder – rungsprogram). Chương trình này hàng năm xét trao học bổng cho các sinh viên và nghiên cứu sinh đặc biệt xuất sắc. Những sinh viên và nghiên cứu sinh này được tự do lựa chọn đặt đơn xin xét trao học bổng ở các quỹ. Các cuộc xét duyệt học bổng do các chính khách cùng với các giáo sư đầu ngành của các trường đại học tiến hành thông qua 3 vòng (hai vòng tuyển qua hồ sơ và một vòng phỏng vấn). Khi nhận được học bổng, các sinh viên và nghiên cứu sinh vẫn tiếp tục học tập tại các trường đại học, nhưng hàng năm họ được mời tham gia nhiều seminar do quỹ tổ chức. Các seminar này vừa là nơi họ được trang bị tri thức về nền chính trị Đức và thế giới, đặc biệt là về tri thức và kỹ năng lãnh đạo. Thông qua đó, các chính khách tương lai của Đức được đào tạo một cách khá toàn diện. Đồng thời, các sinh viên và nghiên cứu sinh có thể tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị – xã hội và họ còn có thể được bầu vào các vị trí lãnh đạo nhất định của đảng. Sau một thời gian, họ có thể trở thành chính khách chuyên nghiệp. Nhờ quy trình đào tạo cán bộ lãnh đạo kết hợp chặt chẽ với các trường đại học như vậy, cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi phần lớn các chính khách cao cấp ở Đức thường có học vị cao và vốn đều xuất thân từ những sinh viên ưu tú.

SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 10/2006

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading