admin@phapluatdansu.edu.vn

NHỮNG BÀI VIẾT LIÊN QUAN ĐẾN PHÁP LUẬT DÂN SỰ TRÊN MỘT SỐ TẠP CHÍ CHUYÊN NGÀNH

Hoàng Ngọc Thành, Một số ý kiến về giải quyết tranh chấp nợ hụi, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số tháng 5/2005, tr. 28-30: Chơi hụi, họ (hụi) có nhiều hình thức và tính chất khác nhau như­ng quy ra có hai loại. Loại hụi không có lãi, đây là loại hụi mang tính giúp đỡ lẫn nhau và là giao dịch dân sự thuần túy. Loại hụi có lãi mang tính kinh doanh, lãi nặng hoặc lừa đảo. Do tính chất phức tạp về việc chơi hụi nên hiện nay Nhà nư­ớc nghiêm cấm tất cả các hình thức chơi hụi và nếu có tranh chấp thì tùy từng mức độ mà xử lý. Mặc dù bị cấm nhưng hiện t­ượng này vẫn diễn ra và có tranh chấp. Giải quyết tình trạng này là một việc khó khăn và phức tạp. Nên cân nhắc nếu công nhận là một giao dịch dân sự hợp pháp thì phải quy định cụ thể giao dịch nào đ­ược công nhận và giao dịch nào không đ­ược công nhận. Đồng thời, phải quy định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Tr­ường hợp không công nhận, thì phải coi mọi giao dịch của loại hình này đều là vô hiệu.

Nguyễn Phương Lan, Một số ý kiến về việc nhận nuôi con nuôi, Tạp chí Luật học, số 2/2005, tr.17-23: Theo quy định, vợ chồng có thể cùng nhận con nuôi hoặc chỉ một bên là vợ hoặc chồng cũng có thể nhận con nuôi nhưng phải có chữ ký của người kia. Do việc quy định về lĩnh vực này còn chung chung, thậm chí còn có sự nhầm lẫn giữa khái niệm “giới” với ” giới tính” nên việc xác định thế nào là vợ chồng đôi lúc rất khó khăn. Cần định nghĩa chính xác và khoa học hơn về vợ chồng. Theo khoản 1, Điều 36, Nghị định 69/CP ngày 10/7/2002, “… vợ chồng là những người khác giới có quan hệ hôn nhân”. Nên thay đổi là “Vợ chồng phải là những người khác giới tính có quan hệ hôn nhân hợp pháp”. Về việc quy định chỉ một người, vợ hoặc chồng nhận nuôi con thì phải có chữa ký của của người kia, để tránh việc lợi dụng việc xin nhận con nuôi vì động cơ cá nhân nên quy định chỉ chấp nhận cho nhận con nuôi khi cả hai vợ chồng cùng nhận con nuôi.

Nguyễn Thị Hương, Quan hệ nuôi dưỡng chăm sóc giữa con riêng với mẹ kế cần được quy định cụ thể hơn, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số tháng 7/2005, tr.48-49: Do Điều 682, Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định về việc chăm sóc nuôi dưỡng giữa con riêng với mẹ kế chưa được cụ thể nên trong quá trình áp dụng giải quyết đã có nhiều quan điểm khác nhau. Do vậy, cần phải sửa đổi điều luật này theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn như việc chăm sóc, nuôi dưỡng đến độ tuổi nào, phạm vi mức độ, cách thể hiện ra sao; việc nuôi dưỡng có phụ thuộc vào việc cha, mẹ đẻ còn sống không.

guyễn Quang Thái, Một số khái niệm về thi hành án và thi hành án dân sự ở Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số tháng 5/2005, tr.43-48: Khi hoạt động thi hành án nói chung và thi hành án dân sự nói riêng vẫn do Tòa án thực hiện thì hầu như­ quan niệm thi hành án không có tranh luận. Nh­ưng từ khi hoạt động thi hành án đ­ược chuyển cho cơ quan của Chính phủ thì có quan điểm cho rằng thi hành án là một giai đoạn tố tụng. Như­ng có quan điểm cho rằng, đây chỉ là hoạt động quản lý hành chính tư pháp vì quá trình tố tụng mà trọng tâm là việc xét xử của Tòa án đã chấm dứt. Tác giả không đồng nhất với hai quan điểm trên mà cho rằng, đây là một hoạt động tư pháp của Nhà nư­ớc.

Lưu Tiến Dũng, Bàn về áp dụng pháp luật trong công tác xét xử, Tạp chí Toà án số 10 (5/2005), tr.10-14: Pháp luật nước ta quy định Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử; Thẩm phán không được giải thích luật. Nhưng pháp luật để áp dụng không phải chỉ là Hiến pháp hoặc các đạo luật mà bao gồm cả các hướng dẫn của các cơ quan và các cá nhân có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương. Thậm chí, Thẩm phán, Hội thẩm nhiều khi chỉ áp dụng trực tiếp các văn bản hướng dẫn. Trong thực tế, Thẩm phán được giao một đặc quyền và một trọng trách vô cùng to lớn là quyết định cuối cùng việc áp dụng pháp luật. Vậy, để cho Thẩm phán thực hiện tốt trọng trách của mình trong khi pháp luật chưa cho Thẩm phán các quyền giải thích luật thì cũng cần khuyến khích họ chủ động hơn nữa trong việc độc lập áp dụng pháp luật đi kèm với trách nhiệm giải trình về sự lựa chọn của mình một cách công khai, minh bạch trong phán quyết của mình.

Lê Duy Ninh, Khái niệm và định nghĩa khái niệm trong luật, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 2/2005, tr.49-53: Mỗi khái niệm đều có hai mặt, đó là nội hàm và ngoại diên. Nội hàm là chất, tập hợp những dấu hiệu bản chất của đối tượng được phản ảnh trong khái niệm. Ngoại diên là lượng của khái niệm. Hai định nghĩa thường được sử dụng là định nghĩa theo tập hợp và định nghĩa thông qua liệt kê. Mỗi cách định nghĩa đều có ưu điểm nhưng xét một cách toàn cục thì cách định nghĩa thứ nhất có lợi thế hơn. Với những văn bản có phạm vi điều chỉnh rộng, có tính ổn định lâu dài như bộ luật, luật thì nên đưa vào nhiều định nghĩa này, còn văn bản dưới luật thì trong trường hợp không thể khác được vẫn có thể chấp nhận cách định nghĩa liệt kê. Về định nghĩa tập hợp, định nghĩa phải cân đối, không được lòng vòng, phải ngắn gọn, chuẩn xác, rõ ràng và không nên định nghĩa phủ định.

Trần Phương Đạt, Địa vị pháp lý của người nước ngoài ở Việt Nam tiếp cận dưới góc độ pháp luật dân sự, Tạp chí Kiểm sát số 11(6/2005), tr. 25- 27: Hiện nay nước ta chưa có một đạo luật riêng quy định về địa vị pháp lý của người nước ngoài, nhưng dưới góc độ pháp luật về dân sự thì địa vị pháp lý của họ đã được quy định ở nhiều văn bản khác nhau như trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại, quyền sở hữu tài sản và thừa kế… Việc quy định chế độ pháp lý của người nước ngoài trong các văn bản khác nhau nhìn chung là chưa đầy đủ, có thể tạo ra sơ hở cho người nước ngoài lợi dụng để hoạt động gây phương hại đến an ninh – trật tự. Để công tác quản lý người nước ngoài nhanh chóng đi vào nề nếp, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan.

Phan Chí Hiếu, Thẩm quyền giải quyết các việc kinh doanh, th­ương mại theo Bộ luật Tố tụng dân sự: Những điểm mới và các vấn đề đặt ra trong thực tiễn thi hành, Đặc san Nghề luật, tr.32- 41: Bộ luật Tố tụng dân sự có nhiều điểm mới, tiến bộ nhưng trong quá trình thực hiện sẽ gặp khó khăn vướng mắc nh­ư thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh, th­ương mại. Để khắc phục cần phải có hư­ớng dẫn cụ thể của Tòa án nhân dân tối cao, như cần phải coi việc xác định vụ án phát sinh từ tranh chấp về kinh doanh, thư­ơng mại hay dân sự, lao động chỉ thuần túy mang tính kỹ thuật và thuộc quyền chủ động của Tòa án. Do vậy các sai sót trong việc xác định vụ án là kinh doanh thư­ơng mại hay dân sự, không bị coi là căn cứ để kháng cáo, kháng nghị và để hủy án, sửa án. Nên quy định các tranh chấp về kinh doanh th­ương mại chỉ là dạng đặc biệt của tranh chấp dân sự và sử dụng phương pháp loại trừ để phân định vụ án về kinh doanh, thương mại với vụ án về dân sự…

Đặng Vũ Huân, Nâng cao vai trò nhận thức xã hội trong hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số tháng 5/2005, tr.31-36: Sở hữu trí tuệ là những sáng tạo trí tuệ của con ng­ười, đ­ược thừa nhận và dành cho ngư­ời đó sự độc quyền trong thời hạn nhất định. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ b­ước đầu đã đạt đư­ợc những kết quả như­ng còn khiêm tốn. Muốn đạt đ­ược hiệu quả cao hơn nữa, cần phải nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề này bằng cách tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho tất cả các đối t­ượng liên quan, đồng thời phải tăng c­ường các hoạt động dịch vụ t­ư vấn, thông tin về sở hữu trí tuệ, củng cố và nâng cao vai trò của các Hội về sở hữu trí tuệ./.

Phan Chí Hiếu, Tổng thuật hội thảo “Bộ luật Tố tụng dân sự – Những điểm mới và các vấn đề đặt ra trong thực tiễn thi hành”, Đặc san Nghề luật, tr.2-14: Vừa qua Học viện Tư­ pháp đã tổ chức hội thảo với nội dung “Bộ luật Tố tụng dân sự – Những điểm mới và các vấn đề đặt ra trong thực tiễn thi hành”. Các đại biểu tham gia hội thảo đã phát biểu về nhiều vấn đề nh­ư chứng cứ. Về thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án, các quy định mới của Bộ luật có khả năng giải quyết đ­ược một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn như­ng cũng có một số v­ướng mắc cần phải có h­ướng dẫn. Về phiên tòa sơ thẩm so với các quy định trư­ớc có tiến bộ, như­ng áp dụng vào thực tế có những v­ướng mắc cần đư­ợc tháo gỡ. Ngoài các vấn đề trên, các đại biểu còn bày tỏ quan điểm về điều kiện và thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, việc tuyên án…

Vũ Lê Trung, Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và vấn đề xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Công ty Honda Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Số tháng 5/2005, tr.37-42: Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là sự bảo hộ của pháp luật dành cho thành quả đầu t­ư mà nhà sản xuất đã bỏ ra để đư­a sản phẩm đến đ­ược với ng­ười tiêu dùng. Trong thời gian vừa qua, tình hình vi phạm quyền sở hữu công nghiệp xảy ra một cách phổ biến, nhất là đối với sản phẩm của Công ty Honda Việt Nam. Công ty đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn nh­ưng kết quả chư­a đ­ược là bao. Nguyên nhân là do cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, các văn bản pháp luật quy định ch­ưa đ­ược thống nhất, mức độ xử phạt chư­a nghiêm khắc. Việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp có tầm quan trọng lớn trong thời kỳ mở cửa và hội nhập ở nước ta hiện nay.

Lê Việt Long, Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp – Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, Tạp chí Nhà nước và Phát luật, tháng 5/2005, tr.60-63: Trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm, xâm phạm về sở hữu công nghiệp diễn ra một cách khá phổ biến và ngày càng phức tạp. Nguyên nhân của hiện tượng này trước hết là việc thực thi pháp luật còn nhiều bất cập và chưa có hiệu quả, các chủ sở hữu ngại tiếp xúc với Toà án, hiểu biết của xã hội nói chung và của chủ sở hữu nói riêng, cũng như việc xử lý các hành vi xâm phạm bằng biện pháp hình sự còn hạn chế. Để ngăn chặn tình trạng này, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời phải xây dựng một đạo luật cũng như một cơ quan độc lập về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Nguyễn Thanh Tú, Thỏa thuận về lãi suất giữa các ngân hàng và pháp luật cạnh tranh, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 2/2005, tr. 56-64: Tháng 7/2004, dưới sự chủ trì của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng thương mại nhà nước (chiếm khoảng 70% thị phần huy động vốn) đã bàn và đi đến thỏa thuận về trần lãi suất. Theo tác giả, thỏa thuận này bị cấm, không được hưởng quyền miễn trừ khi pháp luật cạnh tranh có hiệu lực và hoạt động ngân hàng chịu sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh. Ngân hàng nhà nước không thể can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng và các doanh nghiệp, hiệp hội khác cần cẩn trọng trong việc giao kết và thực thi các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Chính phủ, Bộ Thương mại cần sớm hướng dẫn, phổ biến nhanh chóng Luật Cạnh tranh.

Bùi Đăng Hiếu, Tiền-một loại tài sản trong quan hệ pháp luật dân sự, Tạp chí Luật học, số 1/2005, tr. 37- 40: Trong Bộ luật Dân sự Việt Nam chưa có quy định nào về tiền. Tiền có tính năng đặc biệt là khi chuyển giao thì bao giờ cũng kèm theo chuyển giao quyền sở hữu. Chúng ta nên phân biện nội tệ và ngoại tệ. Ngoại tệ không được coi là tiền, vì ngoại tệ không được coi là công cụ thanh toán đa năng-một tính năng quan trọng của tiền. Chỉ có những chủ thể nhất định, ví dụ như ngân hàng mới được phép xác lập giao dịch đối với nó. Cũng không nên coi ngoại tệ là giấy tờ trị giá bằng tiền hay tài sản, bởi lẽ không xác định được ai là chủ thể nghĩa vụ trong đó.

Đỗ Văn Đại, Quy phạm áp dụng bắt buộc trong Tư pháp quốc tế : Từ Bộ luật Dân sự Pháp đến Bộ luật Dân sự Việt Nam, Đặc san Nghề Luật, số 9/12/2004, tr. 54- 64: Quy phạm áp dụng bắt buộc là những quy phạm quốc nội mà vai trò tự nhiên của nó là điều chỉnh các quan hệ trong nước nhưng chúng được áp dụng bắt buộc để điều chỉnh trực tiếp một vài chi tiết của quan hệ có yếu tố nước ngoài, đồng thời làm vô hiệu hoá các quy phạm xung đột đáng lẽ được áp dụng. Quyphạm áp dụng bắt buộc đã tồn tại trong pháp luật Việt Nam nhưng chỉ ở một số văn bản chuyên ngành và, khi ban hành, các nhà lập pháp nêu rõ, đây là quy phạm áp dụng bắt buộc trong quan hệ có yếu tố nước ngoài. Khác với nhiều nước trên thế giới, ví dụ ở Pháp, chúng ta chưa thừa nhận theo nguyên tắc chung sự tồn tại loại quy phạm này như một phương pháp điều chỉnh quan hệ có yếu tố nước ngoài. Trong thực tế, thừa nhận theo nguyên tắc chung sự tồn tại của quy phạm áp dụng bắt buộc như một phương pháp điều chỉnh quan hệ có yếu tố nước ngoài là cần thiết. Chúng ta nên bổ sung loại quy phạm này trong phần VII, Bộ luật Dân sự./.

Ngô Văn Hiệp, Chế định bồi thường thiệt hại cho người bị oan-Lý luận và thực tiễn, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 4/2005, tr. 29-34: Hiện nay có 171 trường hợp bị oan mà ngành Kiểm sát phải bồi thường nhưng chỉ có 17 người làm đơn yêu cầu. Lý do là người bị oan không am hiểu pháp luật, ngại hay sợ sệt hoặc làm đơn không kịp thời. Vì vậy, để bảo vệ tốt quyền yêu cầu đòi bồi thường, cần quy định theo hướng mở rộng thời hiệu yêu cầu bồi thường. Cần bổ sung quy định theo hướng cán bộ, công chức gây thiệt hại phải trực tiếp cùng lãnh đạo cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Đồng thời, các bằng chứng để được bồi thường cần được xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện, có lý, có tình.

Đỗ Văn Đại, Quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài và thẩm quyền tài phán của Tòa án Việt Nam trong BLTTDS, Đặc san Nghề Luật số 8/2004, tr.13-20: Theo BLTTDS, Toà án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mà việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần hợp đồng xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Bài viết làm rõ thế nào là tranh chấp phát sinh từ hợp đồng và khi nào hợp đồng được thực hiện ở Việt Nam. Bài viết cũng làm rõ câu hỏi: mặc dù được thực hiện ở Việt Nam, các bên có được chọn Tòa án nước ngoài để giải quyết tranh chấp không? Bài viết còn cho biết, mặc dù hợp đồng không được thực hiện ở Việt Nam, các bên có được thỏa thuận chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết tranh chấp không?

Phùng Trung Tập, Bàn về lỗi, một điều kiện xác định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, Đặc san Nghề Luật số 8/2004, tr. 42-47: Một điều kiện của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là người gây thiệt hại có lỗi. Lỗi này do pháp luật quy định trước hay còn do suy đoán? Từ một số cơ sở lý luận, tác giả nhận định lỗi không phải là do suy đoán mà do pháp luật quy định trước.

Dương Anh Sơn và Lê Thị Bích Thọ, Một số ý kiến về phạt vi phạm do vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 1/2005, tr. 26-31: Phạt vi phạm là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi chưa có hành vi vi phạm nghĩa vụ. Và khi có vi phạm thì nó được coi là hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Pháp luật Việt Nam giới hạn tối đa mức phạt vi phạm: 8% giá trị nghĩa vụ bị vi phạm trong Luật Thương mại và 5% trong Bộ luật Dân sự. Để các quy phạm pháp luật phát huy hiệu quả thì giới hạn trên không nên tồn tại. Hơn nữa, pháp luật không thể cấm sử dụng chế tài phạt vi phạm khi chế tài buộc thực hiện đúng nghĩa vụ được sử dụng.

Ngô Thị Hường, Mối quan hệ giữa nghĩa vụ nuôi dưỡng và nghĩa vụ cấp dưỡng trong Luật Hôn nhân và gia đình, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 4/2005, tr. 13-18: Qua phân tích các vấn đề chủ thể, bài viết cho biết điều kiện phát sinh và ranh giới giữa nghĩa vụ nuôi dưỡng và nghĩa vụ cấp dưỡng là hai nghĩa vụ riêng biệt và có thể thay thế cho nhau. Việc xác định mối quan hệ giữa hai nghĩa vụ này trong Luật Hôn nhân và gia đình góp phần làm sáng tỏ bản chất, đặc điểm của nghĩa vụ cấp dưỡng, cũng như sự cần thiết phải quy định nghĩa vụ cấp dưỡng trong Luật này.

Những bài khác:

Về quyền sử dụng đất: Khuất Văn Nga, Tạp chí Kiểm sát số 6 (3-2005), tr. 7-10; Nguyễn Thị Mai, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 4/2005, tr. 8-12.

Về tài sản và quyền sở hữu: Phạm Công Lạc, Tạp chí Nhà Nước và Pháp luật số 3/2005, tr. 3-9.

Về quyền tài sản: Nguyễn Ngọc Điện, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 4/2005, tr. 11-15; Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 3/2005, tr. 16-21.

Về thời hiệu khởi kiện: Nguyễn Ngọc Khánh, Tạp chí Kiểm sát số 6 (3-2005), tr. 11-12.

Về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quân sự: Hoàng Thị Quỳnh Chi, Tạp chí Kiểm sát số 6 (3-2005), tr. 13-14; Trần Đình Hảo, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 4/2005, tr. 16-21; Nguyễn Văn Vân, Tạp chí Khoa học và pháp lý số 2/2005, tr. 9-23.

Về giao dịch dân sự: Trần Hồng Thanh, Tạp chí Kiểm sát số 6 (3-2005), tr. 15-17; Trần Đình Hảo, Tạp chí Khoa học và pháp lý số 2/2005, tr. 9-13.

Về hợp đồng: Đỗ Văn Đại, Hà Thị Mai Hiên và Phạm Hữu Nghị, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 1/2005, tr. 21-24; số 3/2005, tr. 10-19 và số 4/2005, tr. 22-27; Lê Nết, Tạp chí Khoa học và pháp lý số 2/2005, tr 14-18.

Về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Đỗ Văn Đại, Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Huy Giang, Tạp chí Kiểm sát số 6 (3-2005), tr. 18-20, tr. 20-22 và tr. 22-23; Vũ Thành Long, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 3/2005, tr. 7-8; Phùng Trung Tập, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 4/2005, tr. 2-5, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 4/ 2005. tr. 28-35.

Về thừa kế: Lê Hồng Hải, Trương Anh Tuấn, Nguyễn Quốc Huân, Khương Thị Minh Hằng và Vũ Thành Long, Tạp chí kiểm sát số 6 (3-2005), tr. 34-35, tr. 37-38, tr. 38-39, tr. 40, tr. 40-41.

Về hụi, họ: Trần Thị ánh Nguyệt, Đinh Xuân Dụ, Tạp chí Kiểm sát số 6 (3-2005) tr. 44-45 và tr. 45-46; Trần Văn Biên, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 3/2005, tr. 21-23.

Về vay tài sản: Trần Văn Biên, Tạp chí Khoa học pháp lý số 1/2005, tr. 42-45.

Về sở hữu trí tuệ: Lê Mai Thanh, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 3/2005, tr. 33-35.

Về quan hệ có yếu tố nước ngoài: Đỗ Văn Đại, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 3/2005, tr. 35-39 và Đặc san Nghề luật số 9/12-2004, tr. 54-64; Nguyễn Trung Tín, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 3/2005, tr. 24-32.

Về công chứng nhà nước: Lê Thị Phương Hoa, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 4/2005, tr. 6-7.

Về quyền nhân thân: Lê Minh Hùng, Tạp chí Khoa học và pháp lý số 2/2005, tr. 3-8.

Về hoạt động của ngân hàng thương mại: Nguyễn văn Phương, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 3/2005, tr. 2-6.

One Response

  1. Mình mong muốn các bạn có thể cung cấp cho mình mốt số bài viết liên quan đến vấn đề hợp đồng đươc đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật từ năm 2009 đến nay. Mình đang phải làm bài nên nếu đươc sự giúp đỡ của các bạn, mình nghĩ mình sẽ làm tốt. Cảm ơn nhiều.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading