admin@phapluatdansu.edu.vn

CHIẾN LƯỢC TIÊU CHUẨN HOÁ CỦA HOA KỲ

NGÔ TẤT THẮNG

Trong lĩnh vực tiêu chuẩn, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia hàng đầu có khung tiêu chuẩn với nhiều điểm ưu việt, đem lại lợi ích thiết thực cho các nước đã và đang áp dụng. Bài viết dưới đây giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về hoạt động tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.

Những nguyên tắc cơ bản

Chiến lược tiêu chuẩn Hoa Kỳ (The United State Standards Strategy – USSS) là văn bản sửa đổi của Chiến lược tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ (NSS) được phê chuẩn tháng 8.2000. NSS khẳng định, Hoa Kỳ cam kết theo đuổi cách tiếp cận chuyên ngành đối với hoạt động tiêu chuẩn hoá tự nguyện phạm vi trong nước và quốc tế. Khung tiêu chuẩn hoá được xây dựng dựa trên sức mạnh có tính truyền thống của Hoa Kỳ, đó là: Đồng thuận, mở, công khai và minh bạch; đồng thời nhấn mạnh đến sự nhanh chóng, phù hợp và đáp ứng yêu cầu của công chúng.

Năm 2004, Viện Nghiên cứu tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ (ANSI) đã tổ chức một Hội đồng xem xét và sửa đổi NSS. Hơn 100 thành viên đại diện cho các ngành công nghiệp; các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn; các chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn; các tập đoàn; hội người tiêu dùng; đại diện của nhà nước liên bang và chính quyền các bang đã tham gia vào quá trình xem xét này. Các thành viên tham dự đã nhất trí cam kết xây dựng một chiến lược tiêu chuẩn Hoa Kỳ với một tên mới và tinh thần mở, công bằng. Bản sửa đổi của NSS nay được gọi là USSS. Sự thay đổi tên này thừa nhận quá trình toàn cầu hoá và nhu cầu tiêu chuẩn cần được xây dựng để đáp ứng yêu cầu của những người có liên quan, vượt qua giới hạn về biên giới quốc gia. Tên gọi mới đồng thời cũng phản ánh môi trường tiêu chuẩn hoá, kết hợp chặt chẽ với những hình thức mới của hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, có các cách tiếp cận linh hoạt hơn và đưa ra cấu trúc mới.

USSS được xây dựng dựa trên sự nỗ lực điều phối của một nhóm gồm nhiều đối tượng khác nhau, đại diện cho những người có liên quan trong chính phủ, các ngành công nghiệp, các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn, các tập đoàn sản xuất, các hiệp hội người tiêu dùng và các cơ quan nghiên cứu. Các thành phần tham gia thể hiện cam kết xây dựng tiêu chuẩn công khai, cân bằng và minh bạch. ANSI có vai trò phối hợp và thúc đẩy các tiêu chuẩn đồng thuận tự nguyện, đồng thời là đại diện của Hoa Kỳ trong hoạt động xây dựng tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, dựa trên quan điểm cân bằng quyền lợi của khu vực công và tư nhân để xem xét các nguyên tắc và chiến lược nhằm định hướng cho Hoa Kỳ trong xây dựng tiêu chuẩn và tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế. Việc xây dựng USSS đã thể hiện mục tiêu, tư tưởng và tầm nhìn tương lai của hệ thống tiêu chuẩn Hoa Kỳ trong bối cảnh nền kinh tế cạnh tranh quốc tế hiện nay.

Một vấn đề quan trọng đã được hầu hết cộng đồng các quốc gia trên thế giới nhìn nhận là tiêu chuẩn xây dựng cần phải đáp ứng nhu cầu của thị trường và xã hội, không được tạo ra rào cản cho thương mại. Khi chấp thuận Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (TBT/WTO), các thành viên của WTO đã thừa nhận rằng mục tiêu và những nguyên tắc cơ bản đã được xây dựng và được chấp nhận toàn cầu là khuôn khổ để thúc đẩy hợp tác và ngăn cản việc sử dụng tiêu chuẩn trở thành rào cản kỹ thuật.

Thực tế cho thấy, hệ thống tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đã dựa trên một số nguyên tắc sau:

Tính minh bạch: Các bên có quan tâm đều có thể tiếp cận những thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn.

Tính mở: Mọi đối tượng có quyền lợi bị ảnh hưởng đều có thể tham gia.

Tính công bằng, không thiên vị: Không một đối tượng có quyền lợi nào có thể làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng tiêu chuẩn và tiêu chuẩn không thiên vị đối với bất cứ đối tượng nào.

Tính hiệu quả và phù hợp: Tiêu chuẩn phải phù hợp và đáp ứng một cách có hiệu quả đối với mục tiêu quản lý và các nhu cầu của thị trường cũng như sự đòi hỏi của phát triển khoa học và công nghệ.

Tính đồng thuận: Tiêu chuẩn được xây dựng thông qua sự đồng thuận của các bên có quyền lợi bị ảnh hưởng.

Tính khả thi: Tiêu chuẩn dựa trên cơ sở thực thi (chỉ rõ những đặc tính cần thiết hơn là những thiết kế quá chi tiết) ở những nơi có thể.

Tính mạch lạc, chặt chẽ: Quá trình xây dựng tiêu chuẩn khuyến khích sự mạch lạc, chặt chẽ để ngăn ngừa sự chồng chéo và mâu thuẫn với nhau về nội dung của tiêu chuẩn.

Bảo đảm công bằng: Mọi quan điểm đưa ra đều phải được xem xét và mọi yêu cầu đều có thể thực hiện được.

Hỗ trợ kỹ thuật: Hỗ trợ cho các nước đang phát triển trong việc hình thành và áp dụng tiêu chuẩn.

Ngoài ra, đối với những thành viên có lợi ích bị ảnh hưởng, Hoa Kỳ cũng đã bổ sung một số nguyên tắc:

Tính linh hoạt: Cho phép sử dụng phương pháp luận khác nhau để đáp ứng nhu cầu của công nghệ và các lĩnh vực sản xuất khác nhau.

Đảm bảo đúng lúc: Đảm bảo những vấn đề mang tính thủ tục hành chính không làm ảnh hưởng đến việc thoả mãn mong đợi của thị trường.

Đảm bảo cân bằng: Giữa những đối tượng có lợi ích bị ảnh hưởng.

Từ các nguyên tắc trên, cộng đồng tiêu chuẩn Hoa Kỳ đã cam kết kiên trì theo đuổi thực hiện việc xây dựng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Định hướng

Hiện nay, hoạt động tiêu chuẩn hoá của Hoa Kỳ tập trung vào tiêu chuẩn hoá chuyên ngành (lĩnh vực) dựa trên sự hỗ trợ của một hạ tầng cơ sở năng động. Cách tiếp cận chuyên ngành trong xây dựng tiêu chuẩn cho phép các bên có quyền lợi xác định được vấn đề riêng của mình và tự đưa ra phương pháp giải quyết. Điều này cũng cho phép xây dựng tiêu chuẩn một cách có hiệu quả, thúc đẩy quá trình đổi mới và cạnh tranh. Thực tế cho thấy, không có một giải pháp nào đưa ra có thể đồng thời thoả mãn tất cả các nhu cầu của các ngành. Bởi vậy, các ngành cần phải tự đưa ra kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn riêng cho mình. Mục đích của chiến lược này là cung cấp hướng dẫn, sự gắn kết logic và khuyến khích khả năng sáng tạo trong xây dựng tiêu chuẩn. Do vậy, chiến lược tiêu chuẩn hoá của Hoa Kỳ bao gồm một tập các sáng kiến chiến lược có khả năng áp dụng rộng rãi và sẽ được sử dụng một cách thích hợp trong những chuyên ngành cụ thể. Định hướng tương lai trong chiến lược xây dựng tiêu chuẩn Hoa Kỳ được dựa trên các quan điểm sau:

– Đẩy mạnh việc tham gia của chính phủ trong việc xây dựng và sử dụng những tiêu chuẩn đồng thuận tự nguyện, thông qua sự cộng tác giữa khu vực công và tư nhân. Trên thực tế, sự tin cậy của chính phủ vào các tiêu chuẩn đồng thuận một cách tự nguyện ngày càng tăng lên.

– Quan tâm tới vấn đề môi trường, sức khoẻ và an toàn trong việc xây dựng những tiêu chuẩn đồng thuận tự nguyện – đây là vấn đề trọng tâm của hệ thống tiêu chuẩn Hoa Kỳ hiện tại và tương lai.

– Nâng cao sự đáp ứng của hệ thống tiêu chuẩn đối với mong đợi và nhu cầu của người tiêu dùng. Đại diện các quyền lợi của người tiêu dùng tham gia trong hệ thống tiêu chuẩn Hoa Kỳ là rất cần thiết để bảo đảm rằng các nhu cầu của cá nhân sẽ được xem xét, chú trọng.

– Tích cực thúc đẩy việc áp dụng trên toàn cầu những nguyên tắc đã được quốc tế công nhận trong việc xây dựng tiêu chuẩn. Một mục tiêu quan trọng của tiêu chuẩn hoá quốc tế là xác định những yêu cầu để sản phẩm và dịch vụ có thể được chấp nhận ở tất cả các thị trường trên toàn cầu.

– Khuyến khích cách tiếp cận của chính phủ sử dụng các tiêu chuẩn đồng thuận tự nguyện làm các công cụ phục vụ cho nhu cầu quản lý. Thương mại toàn cầu sẽ thuận lợi hơn nếu chính phủ sử dụng các cách tiếp cận chung để biến tiêu chuẩn trở thành các công cụ phục vụ nhu cầu quản lý của mình.

– Ngăn ngừa việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn trở thành rào cản kỹ thuật trong thương mại đối với sản phẩm và dịch vụ của Hoa Kỳ.

– Tăng cường những chương trình ở tầm quốc tế để nâng cao sự hiểu biết sao cho các tiêu chuẩn chuyên ngành tự nguyện, định hướng thị trường và dựa trên cơ sở tự nguyện có thể mang lại lợi ích cho hoạt động buôn bán kinh doanh, cho lợi ích người tiêu dùng nói riêng và toàn xã hội nói chung.

– Tiếp tục cải thiện quy trình và công cụ để xây dựng, truyền bá một cách có hiệu quả và kịp thời các tiêu chuẩn đồng thuận tự nguyện tới mọi đối tượng quan tâm. Những năm gần đây, hệ thống tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đã có những bước tiến bộ đáng kể trong việc bảo đảm tính kịp thời, thích ứng và tương thích của tiêu chuẩn dựa trên việc sử dụng công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh việc xây dựng tiêu chuẩn trực tuyến và phổ biến tiêu chuẩn bằng con đường điện tử hoá.

– Thúc đẩy sự hợp tác và gắn kết chặt chẽ trong hệ thống tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Điều này được đặt ra để ngăn ngừa sự chồng chéo và đôi khi tạo ra các tiêu chuẩn mâu thuẫn nhau.

– Coi việc giáo dục tiêu chuẩn là một ưu tiên quan trọng trong khu vực nghiên cứu, khu vực công và tư nhân của Hoa Kỳ. Chương trình giáo dục bao gồm cả việc xây dựng và sử dụng tiêu chuẩn cần thiết phải trở thành nội dung hoạt động ưu tiên của Hoa Kỳ. Những chương trình này cần hướng vào nhu cầu của các nhà lãnh đạo, cơ quan hành pháp cấp cao – những người tham gia xây dựng tiêu chuẩn; sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng và những người quan tâm.

– Duy trì các mô hình cấp vốn một cách bền vững, ổn định cho hệ thống tiêu chuẩn hoá Hoa Kỳ. Sẽ không có một phương pháp cấp vốn duy nhất cho hệ thống tiêu chuẩn hoá Hoa Kỳ. Hệ thống tiêu chuẩn hoá nào đáp ứng được nhu cầu của khu vực tư nhân và công cộng thì người muốn được hưởng thụ kết quả từ hệ thống tiêu chuẩn hoá sẽ là người đảm bảo cung cấp kinh phí cho hệ thống đó.

SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC 4/2007

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading