admin@phapluatdansu.edu.vn

PHÁT TRIỂN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM NHÌN TỪ HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ ĐÀO TẠO

Trong những năm qua, hợp tác đào tạo quốc tế của các trường đại học (ĐH) Việt Nam đã góp phần đáng kể trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng đất nước, thực hiện chuyển giao công nghệ đào tạo, góp phần quan trọng vào đào tạo đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý trong các trường ĐH. Tuy nhiên, là thành viên của WTO, bên cạnh những cơ hội mới, hoạt động này ở nước ta cũng sẽ gặp nhiều thách thức mà nếu không có những biện pháp tháo gỡ thích hợp thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hợp tác đào tạo quốc tế và những kết quả đạt được

Hợp tác đào tạo quốc tế ở đây được giới hạn là sự hợp tác giữa các trường ĐH trong nước với các trường ĐH nước ngoài nhằm cung cấp cơ hội học tập cho sinh viên Việt Nam, có thể là đưa sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học tập, có thể là đào tạo theo các chương trình quốc tế cho các sinh viên ngay tại Việt Nam (du học tại chỗ). Bài viết này tập trung vào các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế tại Việt Nam, bao gồm: Các chương trình quốc tế tại Việt Nam do các trường ĐH nước ngoài cung cấp hoặc do các trường ĐH Việt Nam liên kết với các trường ĐH nước ngoài cung cấp. Trong các chương trình này, người học sau khi tốt nghiệp sẽ được nhận bằng cấp (cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ) do trường ĐH nước ngoài cấp, hoặc do trường ĐH nước ngoài và trong nước cùng cấp.

Trong những năm qua, đặc biệt là từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX đến nay, hoạt động hợp tác đào tạo quốc tế đã cung cấp hàng vạn cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó đáng kể nhất là đào tạo hàng ngàn thạc sỹ về kinh tế và quản trị kinh doanh, đây là lực lượng quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường. Hợp tác đào tạo quốc tế thực sự đã giúp các trường ĐH Việt Nam thực hiện những bước đi vững chắc trong hội nhập giáo dục quốc tế. Thông qua các hoạt động này, nhiều trường ĐH lớn đã có được đội ngũ giảng viên có thể đảm đương giảng dạy các chương trình quốc tế, thực hiện được trao đổi giảng viên với nhiều trường ĐH ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Đồng thời, thông qua hoạt động này, các trường ĐH trong nước cũng có một đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục – đào tạo có thể xây dựng và điều hành các chương trình quốc tế. Nhiều chương trình đào tạo của một số trường ĐH Việt Nam đã được các trường có uy tín của châu âu, Hoa Kỳ, Australia công nhận tương đương và cho phép thực hiện chuyển đổi kết quả học tập. Nhiều trường ĐH Việt Nam đã tham gia vào các liên kết, liên minh giáo dục quốc tế, một số trường đã được các tổ chức giáo dục nước ngoài có uy tín đánh giá và công nhận là thành viên chính thức.

Những cơ hội, thách thức của đào tạo hợp tác quốc tế trong giai đoạn hội nhập

Khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, các trường ĐH Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức phải vượt qua để khẳng định vị thế của mình. Các cơ hội là: 1- Tiếp tục hợp tác một cách bình đẳng hơn với các trường, các tổ chức giáo dục quốc tế, có cơ hội để tham gia vào các liên minh, liên kết giáo dục quốc tế – điều này làm cho giáo dục và đào tạo Việt Nam khẳng định được vị thế của mình; 2- Các trường cũng có cơ hội lớn để thực hiện đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý theo các tiêu chuẩn của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới; 3- Các trường có điều kiện thuận lợi hơn trong trao đổi, phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập; trao đổi giáo viên, sinh viên với các trường ĐH và các tổ chức giáo dục quốc tế; 4- Cơ hội để xuất khẩu dịch vụ giáo dục ra nước ngoài (đặc biệt, trong giai đoạn trước mắt là các thị trường như: Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, các tỉnh phía Nam của Trung Quốc, các nước trong khu vực…).

Tuy nhiên, những thách thức cơ bản của hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo giai đoạn này là không ít.

Thứ nhất, nhu cầu về hợp tác đào tạo quốc tế không những tăng lên về quy mô mà còn trở nên càng phức tạp, đa dạng về phương thức, kèm theo những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng. Các chương trình quốc tế phải tuân thủ các quy định của các tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế hoặc các quy định của các trường ĐH, các tổ chức đào tạo nước ngoài. Việc nâng cao chất lượng một mặt đòi hỏi người học phải cố gắng cao hơn, mặt khác đòi hỏi các trường đối tác phía Việt Nam phải có đầu tư cả về cơ sở vật chất và con người.

Thứ hai, với việc trở thành thành viên của WTO, thị trường giáo dục ĐH Việt Nam sẽ mở cửa hơn với sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức giáo dục, các trường ĐH nước ngoài, tạo ra cạnh tranh lớn hơn. Trong bối cảnh đó, các chương trình quốc tế tại Việt Nam sẽ thực sự bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, điều này cũng sẽ kéo theo việc các trường ĐH Việt Nam phải cạnh tranh không chỉ bằng học phí mà quan trọng hơn là bằng chất lượng các dịch vụ được cung cấp.

Thứ ba, hội nhập quốc tế đòi hỏi các trường ĐH Việt Nam phải được cơ cấu lại để thích ứng với thể chế của kinh tế thị trường. Nhìn chung, các trường ĐH hiện nay chưa được tổ chức theo mô hình cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của thị trường, chưa thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường. Điều này sẽ hạn chế sự thích ứng cũng như khả năng cạnh tranh của các trường ĐH Việt Nam. Hơn nữa, do thông tin cung cấp trên thị trường bị sai lệch, bóp méo, “khách hàng” luôn không có đủ thông tin về dịch vụ giáo dục được cung cấp. Nhà nước cũng chưa có “chế tài” nhằm hỗ trợ người học có được thông tin đầy đủ, chính xác để lựa chọn các chương trình phù hợp. Có thể nói đây là một “khuyết tật” của thị trường giáo dục Việt Nam trong giai đoạn vừa qua cũng như sẽ tồn tại trong khoảng 5 năm tới.

Thứ tư, nằm trong hệ thống WTO, hệ thống giáo dục Việt Nam phải hội nhập với các nước, tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu (hoặc chưa có) những hiệp định song phương và đa phương về công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ giáo dục. Điều này là khó khăn và thách thức rất lớn đối với hệ thống giáo dục Việt Nam khi hội nhập. Đây cũng là công việc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phải thực hiện trong những năm tới.

Những kiến nghị

Để vượt qua những hạn chế, tăng thêm cơ hội thành công trong hội nhập, Nhà nước và các trường ĐH cần thực hiện:

Một là, coi hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học là bước đi tiên phong để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam trong hội nhập. Có định hướng rõ ràng và có kế hoạch cụ thể để khai thác những cơ hội, nguồn lực và tiềm năng mà hợp tác đào tạo quốc tế mang lại để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục ĐH trong nước.

Hai là, để hợp tác thành công trong giai đoạn này, các trường ĐH Việt Nam cần được cơ cấu lại (tổ chức, nhân lực, tài chính) theo định hướng thị trường (nhu cầu của người học), tập trung vào xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Ba là, cần coi công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề sống còn của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam trong điều kiện của hội nhập: 1- Nhìn nhận lại theo quan điểm tích cực của hội nhập, mạnh dạn loại bỏ chương trình đào tạo giáo viên theo cách đào tạo công chức hành chính hiện nay, thay vào đó là chương trình và cách thức đào tạo giáo viên mới hướng theo các tiêu chuẩn, các chuẩn mực quốc tế (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã thử nghiệm xây dựng chương trình đào tạo giáo viên theo chuẩn mực quốc tế, tuy nhiên kế hoạch tổng thể này muốn thành công phải có sự hỗ trợ từ các cơ quan/ban ngành, đặc biệt là từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo); 2- Nhanh chóng xây dựng các tiêu chuẩn giảng viên ĐH dựa trên các chuẩn quốc tế (của các trường tiên tiến trong khu vực và thế giới) và lấy tiêu chuẩn đó làm cơ sở để thực hiện đào tạo, phát triển và đánh giá đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trong các trường ĐH Việt Nam; 3- Các trường ĐH Việt Nam phải đưa ra những quy định, tiêu chuẩn mới về hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên (giảng viên đại học phải dành ít nhất mỗi năm 3 tháng cho nghiên cứu khoa học).

Bốn là, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nghiên cứu đánh giá đầy đủ, toàn diện về hoạt động hợp tác đào tạo quốc tế nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục ĐH trong nước và hiệu quả của công tác này. Thực tế cho thấy, đã có một số chương trình nâng cao chất lượng đào tạo ĐH trong nước lặp lại cách làm của các chương trình hợp tác quốc tế cách đây 10 năm, nếu như chúng ta áp dụng bài học kinh nghiệm từ các chương trình quốc tế thì sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.

SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 8/2007 (TÁC GIẢ CHƯA XÁC ĐỊNH)

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading