admin@phapluatdansu.edu.vn

NHỮNG NÉT NỔI BẬT TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CỤC SHTT TỪ NĂM 2002 ĐẾN NAY

Trong thời gian qua, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT) đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, xác lập và bảo hộ quyền, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về SHTT… góp phần quan trọng vào việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống SHTT của nước ta theo hướng chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế và định hướng phát triển nền kinh tế, đảm bảo lợi ích của quốc gia và xã hội. Với truyền thống 25 năm phấn đấu, nhất là thành tựu 5 năm gần đây, hy vọng rằng trong thời gian tới, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, Cục sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần đưa hệ thống SHTT thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.

Cục Sáng chế rồi đến Cục Sở hữu Công nghiệp (SHCN) và sau đó là Cục SHTT, là cơ quan trực thuộc Bộ KH&CN, Cục SHTT có chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động ban hành theo Quyết định số 14/2004/QĐ-BKHCN ngày 25.6.2004 của Bộ trưởng Bộ KH&CN. Theo đó Cục được giao thực hiện các nhiệm vụ cơ bản là: Tham mưu cho Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về SHTT; xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch, chương trình, dự án nhằm phát triển hệ thống SHTT trong phạm vi cả nước; thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong việc xác lập và bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực SHTT tại Việt Nam và trên trường quốc tế; đại diện Nhà nước trong các quan hệ hợp tác quốc tế về SHTT; chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn về SHTT cho các cơ quan quản lý SHTT thuộc các Bộ/ngành và địa phương trong cả nước; tổ chức thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về SHTT; tổ chức các hoạt động thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất, kinh doanh, nâng cao nhận thức xã hội về SHTT.

Với mục tiêu xây dựng và củng cố hệ thống SHTT nhằm đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của đất nước, cũng như những đòi hỏi bắt buộc của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngay từ năm 1995 cùng với việc Việt Nam nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hệ thống SHTT của nước ta không ngừng được đổi mới và ngày càng hoàn thiện. Từ một hệ thống có nhiều khiếm khuyết, phải đối mặt với những thách thức to lớn về năng lực và hiệu quả, đến nay tất cả các yếu tố của hệ thống SHTT nước ta đều được đổi mới, hoàn thiện theo hướng chất lượng, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của quá trình hội nhập, bảo đảm lợi ích quốc gia và lợi ích xã hội.

Trong suốt chặng đường 25 năm kể từ khi thành lập đến nay(1982-2007), đặc biệt là giai đoạn 2002-2006, hoạt động của Cục SHTT đã được triển khai mạnh mẽ, đúng hướng và đạt được những kết quả nổi bật cụ thể sau đây:

Thực hiện chức năng tham mưu cho Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và chính sách về SHTT

Với sự nỗ lực của Cục, hàng loạt văn bản pháp luật về SHTT đã được xây dựng và ban hành trong giai đoạn từ 2002 đến nay, nhằm bổ sung những quy định còn thiếu hoặc sửa đổi những quy định không phù hợp với sự phát triển của đất nước hoặc chưa đáp ứng các yêu cầu của TRIPS/WTO và Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA). Đặc biệt, trong năm 2005, Cục đã chủ trì đề xuất phương án dự thảo Phần thứ 6 – Quyền SHTT trong Bộ luật Dân sự sửa đổi, đề xuất này đã được Quốc hội chấp nhận và thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XI (Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH XI). Đồng thời, cũng trong năm 2005, Cục đã chủ trì xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật SHTT – đạo luật chuyên ngành đầu tiên về SHTT của Việt Nam. Trong vòng 10 tháng, nhờ những nỗ lực to lớn và tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, sau nhiều lần tu chỉnh, dự thảo Luật SHTT đã được hoàn thành và được Quốc hội chính thức thông qua ngày 29.11.2005 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2006), nâng cấp vượt bậc hiệu lực của toàn hệ thống pháp luật SHTT, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Ngay sau khi hoàn thành Luật SHTT, Cục đã khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật. Kết quả là, hàng loạt văn bản đã được ban hành: Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006 của Chính phủ, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006 của Chính phủ, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14.2.2007 của Bộ KH&CN. Đồng thời với việc chủ trì xây dựng các văn bản pháp luật về SHTT, Cục cũng tích cực tham gia góp ý, xây dựng nhiều văn bản, chính sách về hoặc có liên quan tới lĩnh vực SHTT.

Trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO, Cục đã trực tiếp chuẩn bị nội dung, phương án và tham gia đàm phán về SHTT trong các phiên đàm phán song phương và đa phương với các nước thành viên WTO, tiến hành rà soát thường xuyên, cập nhật, sửa đổi dự thảo báo cáo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO (phần nội dung về SHTT) nhằm thể hiện chính xác hệ thống SHTT của Việt Nam, góp phần kết thúc đàm phán về SHTT tại phiên đa phương thứ 15, ngày 22-29.10.2006 (Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO từ ngày 11.1.2007). Luật pháp quốc tế về SHTT (TRIPS/WTO, BTA…) tiếp tục được bảo đảm thi hành nghiêm túc, thông qua việc xây dựng báo cáo thực trạng về SHTT của Việt Nam và kiến nghị các biện pháp cần thiết để thực hiện các cam kết quốc tế về SHTT.

Đồng thời với việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, Cục còn hoạch định các chính sách về quản lý và phát triển hoạt động SHTT, xây dựng và triển khai các Đề án, Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thúc đẩy các hoạt động SHTT trong phạm vi cả nước: Đề án “Đổi mới tổ chức, cơ chế và phương thức bảo hộ quyền SHTT” do Chính phủ giao cho Bộ KH&CN chủ trì thực hiện theo các Quyết định số 35/2002/QĐ-TTg ngày 12.3.2002 và số 37/2002/QĐ-TTg, ngày 14.3.2002; Đề án “Hoàn thiện hệ thống pháp luật SHTT Việt Nam” thuộc Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng; Đề án “Khảo sát, đánh giá thực tiễn hoạt động sáng kiến ở Việt Nam nhằm đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động sáng tạo kỹ thuật nói chung”; Đề án: “Nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT” thuộc Chương trình hành động của Chính phủ; “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 4.4.2005 và đang được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2005-2010.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong việc xác lập và duy trì quyền SHCN cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước

Cục SHTT là cơ quan duy nhất tại Việt Nam thực hiện chức năng đại diện Nhà nước trong việc xác lập, bảo hộ và duy trì các quyền SHCN. Số đơn yêu cầu xác lập quyền SHCN nộp liên tục gia tăng và do vậy khối lượng công việc mà Cục phải giải quyết cũng ngày càng lớn. Cụ thể là trong thời gian từ 1.1.2002 đến 31.12.2006, Cục đã tiếp nhận tổng số 107.586 đơn đăng ký SHCN đối với các đối tượng SHCN khác nhau (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu). Cũng trong khoảng thời gian này, Cục đã xử lý và cấp 62.268 Văn bằng bảo hộ các loại và thu nộp ngân sách nhà nước 287 tỷ đồng từ phí và lệ phí SHCN. Ngoài các đơn đăng ký SHCN, mỗi năm Cục còn tiếp nhận và giải quyết hàng chục nghìn đơn các loại khác liên quan đến quyền SHCN như sửa đổi, gia hạn, duy trì, chuyển nhượng Văn bằng bảo hộ, khiếu nại, yêu cầu thẩm định, tra cứu. Thủ tục hành chính về SHCN cũng không ngừng được cải cách, hiện đại hoá bằng việc áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng công việc, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, góp phần tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trên thị trường Việt Nam và quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển KH&CN và tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Thực hiện chức năng đại diện Nhà nước trong các quan hệ quốc tế về SHTT

Trong thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT được đẩy mạnh, đa dạng về nội dung, quan hệ song phương và đa phương với các đối tác không ngừng được củng cố và phát triển. Cục SHTT đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác đa phương về SHTT, trong đó đã tổ chức thành công các sự kiện về SHTT trong khuôn khổ APEC, gây ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè quốc tế. Cục cũng đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, EU… Quan hệ hợp tác tốt đẹp về SHTT với nhiều đối tác như Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO), Cơ quan Sáng chế châu âu (EPO), Cơ quan Nhãn hiệu và Kiểu dáng công nghiệp châu âu (OHIM), Thụy Sỹ, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Liên bang Nga tiếp tục được Cục duy trì và phát triển. Các dự án hợp tác với nước ngoài (MOIPA, UTIPINFO, ECAP-II, SPC) tiếp tục được triển khai có hiệu quả, góp phần hiện đại hoá và nâng cao năng lực cho hệ thống SHTT của Việt Nam. Kết quả là Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của các nước và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực hoàn thiện khung pháp luật về SHTT, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống quản lý và thực thi quyền SHTT, cung cấp thông tin tư liệu và nâng cao nhận thức xã hội về SHTT.

Thực hiện chức năng đảm bảo các hoạt động sự nghiệp về SHTT

Trong thời gian qua, công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT được triển khai thường xuyên, có hệ thống, với quy mô ngày càng rộng lớn. Cục SHTT tiếp tục chú trọng công tác đào tạo ngắn hạn và dài hạn về SHTT nhằm tạo nguồn nhân lực bổ sung có trình độ cơ bản và chuyên sâu cho hệ thống SHTT, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng chuyên môn về SHTT cho đội ngũ cán bộ quản lý, thực thi quyền SHTT, cán bộ nghiên cứu và triển khai, các doanh nghiệp thuộc các ngành, địa phương trong cả nước. Nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế, các lớp tập huấn với các chủ đề khác nhau cũng được tổ chức thường xuyên. Chức năng đầu mối của Cục tại khu vực miền Trung và miền Nam tiếp tục được đẩy mạnh.

Công tác hỗ trợ và tư vấn về SHCN được chú trọng và bước đầu được triển khai trên nhiều lĩnh vực nhằm hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Ngoài công tác tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký SHCN được thực hiện thường xuyên cho hàng trăm lượt người, các hoạt động nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ (đặc biệt là chỉ dẫn địa lý) cũng được tăng cường. Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (được phê duyệt theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4.4.2005) đã được triển khai, hàng loạt hạng mục công việc đã được thực hiện đầy đủ, theo tiến độ chung của Chương trình.

Công tác thông tin về SHCN tiếp tục được hoàn thiện, năng lực thông tin tiếp tục được phát triển. Cục tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu thông tin về SHCN, thường xuyên duy trì trao đổi thông tin chuyên ngành với 27 quốc gia và tổ chức quốc tế, xây dựng kho tư liệu SHCN với khoảng 25 triệu sáng chế, 1,5 triệu kiểu dáng công nghiệp và gần 3 triệu nhãn hiệu. Đồng thời, Cục cũng thường xuyên hướng dẫn, phổ biến và tổ chức khai thác, sản xuất sản phẩm thông tin phục vụ nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng, kinh doanh của hàng trăm lượt tổ chức, cá nhân. Công báo SHCN được phát hành đều đặn, các tin bài về SHTT được cung cấp thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên trang tin điện tử của Cục.

Trong những năm qua, Cục SHTT cũng chú trọng tăng cường công tác thực thi và giải quyết khiếu nại theo hướng hiệu quả, tích cực tham gia các hoạt động tư pháp, tố tụng liên quan đến giải quyết khiếu nại và tranh chấp quyền SHCN tại Toà án, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi xử lý hàng ngàn vụ vi phạm hành chính và xâm phạm về SHCN. Nhằm khắc phục tình trạng xâm phạm, vi phạm về SHTT, Cục đã chủ trì nghiên cứu, tu chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT”.

Bước sang giai đoạn mới, giai đoạn thực hiện các cam kết của Việt Nam với tư cách là thành viên chính thức của WTO, Cục SHTT xác định phương hướng hoạt động của mình nhằm củng cố và tạo ra những thay đổi quan trọng về chất đối với toàn bộ hệ thống SHTT. Các nhiệm vụ ưu tiên bao gồm:

– Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về SHTT.

– Đảm bảo chất lượng và tiến độ xử lý đơn đăng ký SHCN bằng việc nâng cao năng lực cán bộ và áp dụng các công nghệ hiện đại.

– Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ của Cục và toàn bộ hệ thống.

– Tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương, tranh thủ sự giúp đỡ chuyên môn từ bạn bè quốc tế.

– Đẩy mạnh hoạt động thông tin SHTT, nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp thông tin SHTT.

– Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống bảo vệ quyền SHTT nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền SHTT.

– Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật và kiến thức về SHTT trong toàn xã hội.

SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 7/2007

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading