admin@phapluatdansu.edu.vn

KHÔNG NÊN SỬ DỤNG THUẬT NGỮ “ẢO” ĐỐI VỚI TÀI SẢN TRONG GAME

Đó là ý kiến của luật sư Hoàng Ngọc (Đoàn luật sư Hà Nội) đối với những đồ vật, vật phẩm trong game trực tuyến. Theo ông, những tài sản đó không hề “ảo” mà có thực bởi hình thành hợp pháp từ các trò chơi hợp pháp và bằng thời gian, công sức của người chơi.

Luật sư Hoàng Ngọc nhấn mạnh rằng trên thực tế, dù trực tiếp hay gián tiếp thì các tài sản trong trò chơi cũng đã định giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Như vậy, tài sản trong trò chơi trực tuyến nên được nhìn nhận như một quyền tài sản hợp pháp của công dân, nên được gọi là “quyền tài sản trong trò chơi trực tuyến” thay cho cụm từ “tài sản ảo” như hiện nay. Nếu tiếp tục sử dụng thuật ngữ “tài sản ảo”, việc tìm kiếm các văn bản pháp lý liên quan để áp dụng sẽ rất khó khăn, dẫn tới sự lúng túng trong việc công nhận hay không công nhận thứ tài sản đặc biệt xuất hiện trong thời đại thông tin.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Vụ trưởng Thương mại điện tử, Bộ Thương mại, trong buổi họp về chính sách tài sản ảo ngày 27/2 đã bày tỏ sự ủng hộ của Bộ Thương mại đối với việc công nhận những tài sản trong game: “Chỉ căn cứ vào Bộ luật Dân sự, tôi cũng thấy ổn rồi. Tuy nhiên, để chi tiết hơn, chúng ta cần có thông tư hoặc một văn bản quy định cụ thể”. Đại diện Bộ Thương Mại đã trích dẫn 2 điều trong luật Dân sự làm cơ sở pháp lý cho việc công nhận giá trị những tài sản trong game: Theo Điều 163 Bộ luật Dân sự, “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Điều 181 quy định “Quyền tài sản là quyền giá trị được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”.

Trên thực tế, giá trị của những tài sản trong game được cộng đồng gamer thừa nhận. Cho dù pháp luật chưa chấp nhận, thậm chí một số nhà cung cấp vẫn tuyên bố cấm việc buôn bán bằng tiền mặt, nhưng vì bản thân là một loại tài sản nên những đồ vật trong game vẫn được người ta trao đổi, mua bán. Thị trường tài sản trong game phát triển kiểu “chợ đen” nên những tranh chấp nảy sinh như cơm bữa. Trên các diễn đàn hoặc website về game trực tuyến, bên cạnh chủ đề rao mua bán đồ vật là chủ đề phòng chống các hình thức lừa đảo. Đơn giản nhưng phổ biến là người bán sau khi nhận tiền và trao “hàng” xong liền báo cho nhà cung cấp rằng mình bị hack (bị xâm nhập và lấy mất đồ).

Anh Trương Quốc Tuấn (Quận 5, TP HCM) có nguy cơ mất trắng 2 triệu đồng khi tài khoản game Võ Lâm Truyền Kỳ đang bị nhà cung cấp khoá vĩnh viễn vì tranh chấp. “Trong buổi giải quyết tranh chấp tại văn phòng VinaGame chiều 22/2, tôi đã trình bày toàn bộ thông tin liên quan đến tài khoản”, anh Tuấn nói. “Thậm chí người tranh chấp với tôi không thể chứng minh được e-mail sử dụng để đăng ký tài khoản là của chị ta vì không có mật khẩu”.

Công ty VinaGame đã tạm khoá tài khoản trên lại với 2 lý do: không chấp nhận việc mua bán tài khoản (theo điều 14, thoả thuận giữa VinaGame với khách hàng) và hai bên tranh chấp không tự thoả thuận được. “Cách xử lý của VinaGame như vậy không thoả đáng, vô tình tiếp tay cho những kẻ lừa đảo hoặc hacker. Nếu chúng đã biết được thông tin và cố tình gây tranh chấp, người chơi kiểu gì cũng mất tài khoản. Nếu không mất vào tay kẻ lừa đảo vì thua kiện thì cũng bị VinaGame khoá lại vì không thoả thuận được với chúng”, anh Tuấn bức xúc nói.

Theo kinh nghiệm của các game master (GM – người điều hành game) thuộc trò chơi PTV, những giao dịch đồ vật còn phức tạp hơn bởi không có thông tin người chơi xác lập như tài khoản. Dựa vào số nhận dạng (ID) của món đồ, nhà cung cấp game chỉ có thể biết được món đồ đó từ một nhân vật trao cho ai, giờ nào chứ không thể biết được chủ nhân đang điều khiển nhân vật trong game là ai. Vì thế khó có thể xác định một giao dịch trong game là do chủ tài khoản hay hacker thực hiện. Trong hầu hết trường hợp, món đồ được trả lại chủ cũ khi có tranh chấp xảy ra nếu người mua không đưa ra được những thông tin chứng thực cho mua bán như screenshot (hình chụp màn hình) lúc giao dịch hoặc giấy biên nhận do 2 bên tự thảo.

Hiện chỉ có 2 nhà cung cấp game là FPT và VASC chính thức tuyên bố công nhận giá trị của tài sản ảo. Đây được coi là những cam kết của nhà cung cấp đối với gamer của mình bởi đi kèm với việc tuyên bố, nhà cung cấp game cũng phải thống nhất những quy tắc, chuẩn mực về mặt kỹ thuật để tránh các tranh chấp trong game. “Tài sản ảo thực ra là cơ sở dữ liệu nằm trong máy chủ. Ví như tất cả các tài sản trong MU hoặc Võ Lâm Truyền Kỳ nằm ở máy chủ của FPT hoặc VinaGame”, ông Nguyễn Thanh Hưng nói.

Như vậy, những tài sản trong game sẽ không còn “ảo” và dễ dàng hơn trong việc áp dụng các văn bản pháp luật nếu được nhìn nhận là một “quyền tài sản”. Theo luật sư Hoàng Ngọc, Nhà nước nên có quy định cụ thể về công nhận quyền tài sản về trò chơi trực tuyến cũng như quyền mua bán những “quyền tài sản” này để tránh cho “thị trường ảo có thực” này hoạt động theo kiếu chợ đen. Thứ hai, là phải kiểm soát được cam kết chỉ thu phí từ người chơi, không tạo ra các món đồ ảo để bán của nhà phát hành. Còn Vụ trưởng Thương mại điện tử tổng kết: “Một thứ có giá mà chuyển giao được, nó trở thành tài sản thôi. Anh thừa nhận nó và anh quản lý nó bằng pháp luật, nó sẽ đúng hướng và có lợi hơn cho xã hội”.

SOURCE: Game Thủ.NET

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading