admin@phapluatdansu.edu.vn

GIẤY KHAI SINH QUA THỰC TIỄN TƯ PHÁP Ở TỈNH ĐIỆN BIÊN

Giấy khai sinh là căn cứ đầu tiên, là cơ sở pháp lý tin cậy nhất về một công dân, đặc biệt khi làm các giấy tờ khác liên quan đến quyền lợi của bản thân như: học tập, công tác, đăng ký hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, ở một số địa bàn vùng sâu vùng xa của tỉnh Điện Biên, việc làm giấy khai sinh đang gặp nhiều khó khăn và bất cập…

Tự do kết hôn và sinh con… tự do!?
Từ năm 2001 cuối năm 2006, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên đã tiến hành rà soát hơn 66.000 cặp hôn nhân thực tế và phát hiện gần 8.000 cặp không đăng ký hoặc không đủ điều kiện đăng ký kết hôn theo luật định. Tính đến đầu năm 2007, tỷ lệ đăng ký kết hôn ở tỉnh Điện Biên đạt trên 80%, nhiều huyện như: Tuần Giáo, Mường Nhé tỷ lệ đăng ký kết hôn chỉ đạt từ 60% đến 70%. Trong đó, tại hai xã Mường Toong và Chung Chải của huyện Mường Nhé, cán bộ tư pháp phát hiện trên 600 cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn, nhưng đã có với nhau mấy mặt con!?
Kết hôn “thoáng” như vậy nên hiện nay, tỷ lệ sinh của toàn tỉnh ở mức xấp xỉ 2,6%, trong đó tỷ lệ các bà mẹ sinh con thứ ba chiếm gần 20%. Sinh nhiều, đẻ lắm kéo theo một thực tế đáng buồn là nhiều trẻ em ở một số xã, bản vùng sâu vùng xa không được đăng ký khai sinh. Làm việc với chúng tôi, ông Nhữ Văn Quảng – Phó chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ và TE tỉnh Điện Biên cho biết: “Hiện toàn tỉnh tỷ lệ đăng ký khai sinh cho các cháu mới đạt trên 60%. Năm ngoái, tại huyện Điện Biên Đông, qua rà soát trên 10.000 cháu thì còn hơn 6.000 cháu chưa được đăng ký khai sinh. Có những xã như: Keo Lôm còn 927 cháu, Pú Nhi 800 cháu, Phình Giàng 797 cháu chưa có giấy khai sinh
Việc không đăng ký khai sinh cho các cháu khiến công tác an ninh trật tự ở các địa bàn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. Đại úy Vũ Mạnh Hà – Phó trưởng phòng Công tác Chính trị PX 15, Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, làn sóng di dân ở một số tỉnh ào ạt đổ về các xã giáp biên giới Việt- Lào (chủ yếu thuộc hai huyện Mường Nhé và Mường Chà). Qua các đợt ra quân tăng cường cơ sở, lực lượng công an tỉnh Điện Biên đã tiến hành đăng ký hộ khẩu cho dân di cư tự do, phát hiện quá nửa trong tổng số 27.000 người không có giấy khai sinh…”. Cũng theo Đại úy Vũ Mạnh Hà, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người không đăng ký khai sinh cho con em mình là do bị kẻ xấu tuyên truyền, kích động gây mất đoàn kết dân tộc, khiến cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Đâu là nguyên nhân?
Về mặt khách quan, do địa bàn miền núi, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn từ xã đến bản có nơi phải mất vài ngày đi bộ, trình độ dân trí nhìn chung còn thấp, nên nhiều người ngại không đi đăng ký khai sinh cho con em mình. Nhưng về mặt chủ quan, cũng thấy rằng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của ta còn nhiều bất cập, việc đăng ký khai sinh cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức.
Theo bà Vũ Thị Bích Phượng, Trưởng phòng Hành chính – Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên, ngoài những nguyên nhân nói trên, còn do trình độ hạn chế của cán bộ tư pháp cơ sở. Số cán bộ tư pháp cơ sở chưa qua đào tạo trung cấp chiếm khoảng hơn 60%. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Điện Biên đã mở các lớp bồi dưỡng cấp tốc về nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp cơ sở, nhưng xem ra cũng không cải thiện được tình hình là mấy. Các xã vùng sâu, vùng xa vẫn phải sử dụng đội ngũ cán bộ không có trình độ tư pháp để làm việc. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc công tác tư pháp ở một số cơ sở đang bị thả nổi, chưa thể giải quyết một sớm một chiều.
Do trình độ cán bộ còn nhiều hạn chế, nên tại một số địa bàn đã phát hiện nhiều sai sót trong việc đăng ký và cấp giấy khai sinh. Một số trường học vùng sâu, vùng xa mua biểu mẫu sau đó ra xã xin cấp đồng loạt giấy khai sinh cho các cháu để bổ sung vào học bạ. Kiểu “hợp lý hoá” này vô hình trung đã làm giấy tờ nhân thân bị sai lệch, sau này có việc liên quan đến học tập, công tác, chữa bệnh… dân chạy ngược chạy xuôi, gõ đủ các “cửa” nhưng vẫn không được giải quyết.
Điều 11 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (sửa đổi) quy định rõ: “Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch”… Tuy vậy, nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa ở Điện Biên vẫn chưa được đăng ký khai sinh. Thiết nghĩ các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho đồng bào dân tộc. Coi việc làm tốt công tác hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký khai sinh là một trong những tiêu chuẩn để được công nhận làng bản văn hoá. Bồi dưỡng, củng cố đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở ngày càng hoàn thiện về trình độ, nghiệp vụ; nghiên cứu cải tiến mẫu sổ, sách, giấy tờ về hộ tịch theo hướng đơn giản hoá, đảm bảo độ bền của giấy tờ hộ tịch trước tình hình thời tiết khắc nghiệt vùng cao. Nên chăng, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch cấp giấy khai sinh miễn phí cho tất cả trẻ em vùng sâu, vùng xa? Dù số tiền không nhiều, nhưng với bà con nghèo, đó cũng là nguồn động viên, mà hiệu quả xã hội của nó vượt ra ngoài giá trị vật chất.

Hoàng Thanh

BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading