Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TỜ TRÌNH DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Advertisements

KÍNH GỬI: Các vị Đại biểu Quốc hội

Thực hiện Nghị quyết số 49/2005/QH11 ngày 19/11/2005 của Quốc hội khoá XI về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006 của Quốc hội, Uỷ ban về các vấn đề xã hội được giao nhiệm vụ xây dựng và trình dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban soạn thảo dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình do Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội làm trưởng ban; các thành viên là đại diện Hội đồng dân tộc; Uỷ ban VH-GD-TNTN&NĐ của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban công tác lập pháp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Uỷ ban Dân số-Gia đình- Trẻ em, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, TƯ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TƯ Hội liên hiệp phụ nữ Việt nam, TƯ Mặt trận tổ quốc Việt nam, TƯ Hội người cao tuổi Việt Nam.

Sau đây, Uỷ ban về các vấn đề xã hội trình Quốc hội dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

I – SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

1. Bạo lực gia đình diễn ra ở nhiều nơi, mọi đối tượng và gây hậu quả nghiêm trọng

a) Thực trạng bạo lực gia đình: Do chưa được sự quan tâm đúng mức và cũng chưa có cơ quan nào của Nhà nước chịu trách nhiệm về phòng, chống bạo lực gia đình cho nên hiện nay chưa có số liệu chính thức về tình hình bạo lực gia đình trong cả nước. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát chọn mẫu ở 8 tỉnh, thành phố[1] cũng như các báo cáo kết quả nghiên cứu về bạo lực gia đình cho thấy tình hình bạo lực gia đình xẩy ra khá nhiều ở mọi vùng miền và ở các nhóm đối tượng[2]. Kết quả khảo sát cho thấy, bên cạnh tình trạng bạo lực gia đình khá phổ biến giữa vợ và chồng, thì tình trạng con cháu ngược đãi ông bà, cha mẹ hoặc cha mẹ đối xử tàn tệ với con cái cũng khá nhiều[3]. Hàng ngày, trên phương tiện thông tin đại chúng cũng đã phản ánh tình hình bạo lực gia đình khá bức xúc.

Có nhiều nguyên nhân dân đến bạo lực gia đình, trong đó 60% nguyên nhân trực tiếp là do say rượu và mượn rượu, bên cạnh đó là nguyên nhân do kinh tế khó khăn, ngoại tình, thiếu hiểu biết pháp luật. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do trong xã hội còn tồn tại tình trạng bất bình đẳng giới và tư tưởng gia trưởng (có quyền “dạy bảo” các thành viên yếu thế trong gia đình bằng vũ lực hoặc nhục mạ).

b) Hậu quả nghiêm trọng của bạo lực gia đình: Bạo lực gia đình đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, trước hết là vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Theo báo cáo của Bộ Công an, trên toàn quốc cứ khoảng 2-3 ngày có 1 người bị giết có liên quan đến bạo lực gia đình[4]. Báo cáo của một số cơ sở y tế cho thấy một tỷ lệ khá lớn bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình[5].

Bạo lực gia đình làm xói mòn đạo đức, mất tính dân chủ xã hội và ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở nhiều gia đình, thế hệ con đã lặp lại hành vị bạo lực gia đình mà khi còn nhỏ chúng đã được chứng kiến. Bạo lực gia đình đang là nguy cơ gây tan vỡ và suy giảm sự bền vững của gia đình Việt Nam. Theo báo cáo của Viện khoa học xét xử thuộc Toà án nhân dân tối cao, tại 42 tỉnh trong 5 năm (2000-2005) tòa án nhân dân tỉnh đã xét xử 10.608 vụ án hôn nhân và gia đình, trong đó 42% vụ án ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.

Ngoài hậu quả về xã hội, đạo đức và sự bền vững của gia đình, bạo lực gia đình còn gây ra những hậu quả về kinh tế như chi phí chăm sóc và phục hồi sức khoẻ nạn nhân, chi phí điều tra, truy tố, xét xử cùng nhiều chi phí gián tiếp khác liên quan đến tình trạng bệnh tật, mất khả năng tham gia lao động sản xuất của nạn nhân[6].

2- Đã có định hướng chỉ đạo, song còn thiếu quy định pháp lý cụ thể trong phòng, chống bạo lực gia đình

Ngày 21/2/2005, Ban bí thư TƯ Đảng đã có Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong đó nêu rõ tình hình bạo lực gia đình gia tăng làm ảnh hưởng đến quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá ở nước ta. Ngày 24/5/2005, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 48/NQ-TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và một trong những quan điểm chỉ đạo là xây dựng và hoàn thiện pháp luật về .. dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội.

Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2006-2010) đề ra nhiệm vụ “.. Đấu tranh phòng, chống bạo lực trong gia đình”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược xây dựng gia đình Việt nam giai đoạn 2005-2010, trong đó có mục tiêu tăng cường phòng, chống bạo lực trong gia đình và giảm tỷ lệ bạo lực gia đình, bình quân hàng năm từ 10-15%.

Hiện nay việc điều chỉnh các mối quan hệ có liên quan đến bạo lực gia đình được quy định tại nhiều văn bản pháp luật như Hiến pháp năm 1992, Luật hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ Luật Dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh người cao tuổi… Tuy nhiên thực tiễn thi hành cho thấy một số bất cập sau đây:

a) Hiệu quả thực hiện các quy định hiện hành còn hạn chế: Thực tiễn cho thấy, gia đình là chế định đặc thù mang nặng tình cảm và sự thân thiết, mang tính huyết thống, có sự ràng buộc rất đặc biệt do đó rất nhiều người, kể cả cán bộ, công chức coi bạo lực gia đình là chuyện nội bộ của gia đình, ít áp dụng những quy định hiện hành có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình để ngăn ngừa từ sớm. Ngay cả nạn nhân bạo lực gia đình do xấu hổ, sợ bị miệt thị, trả thù hoặc vì phụ thuộc về kinh tế nên âm thầm chịu đựng, chỉ khi nào không thể chịu đựng hơn nữa mới dám nói ra hoặc có thể có hành động tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng, lúc đó chính quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật mới vào cuộc và trong nhiều trường hợp thì đã muộn.

b) Thiếu những quy định pháp lý đặc thù, cụ thể như sau:

– Chưa có định nghĩa pháp lý về bạo lực gia đình;

– Chưa xác định trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình;

– Chưa có quy định pháp lý về biện pháp đặc thù trong ngăn ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình;

– Thiếu các quy định pháp lý mang tính đặc thù để giáo dục, xử lý có hiệu quả đối với người gây bạo lực để họ thay đổi hành vi theo hướng tích cực.

Những lý do nêu trên cho thấy việc xây dựng và ban hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời thay đổi nhận thức của xã hội đối với hành vi bạo lực gia đình, phòng ngừa, răn đe, tạo dư luận xã hội lên án người có hành vi bạo lực gia đình.

II- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT

Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình được xây dựng trên các quan điểm sau:

1. Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề gia đình; làm rõ chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

2. Phát huy vai trò cá nhân, gia đình và cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình; chú trọng các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình tại cộng đồng, kịp thời phát hiện sớm và có giải pháp ngăn chặn, răn đe hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân, tránh để xẩy ra bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Bảo đảm quyền con người, nhất là đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người già, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của nạn nhân; đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình.

4. Phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam và đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế, nhất là Công ước về Chống mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Công ước về quyền trẻ em.

III- QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT

Ngay sau khi được thành lập, Ban soạn thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình đã thành lập Tổ biên tập bao gồm đại diện lãnh đạo cấp vụ, chuyên viên của các bộ, ngành có liên quan.

Vì chưa có số liệu về tình hình về bạo lực gia đình trong cả nước, do đó để có cơ sở xây dựng dự thảo luật, Ban soạn thảo đã tiến hành khảo sát tại 8 tỉnh, thành phố, nghiên cứu các báo cáo rà soát, tổng kết thực hiện pháp luật hiện hành của Uỷ ban Dân số-Gia đình-Trẻ em, Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao; phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của một số nước như Thái lan, Philippine, Úc, Italia ….; tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến đại biểu dân cử ở các tỉnh, thành phố, cán bộ quản lý, chuyên gia ở nhiều tỉnh, thành phố; lấy ý kiến của một số tổ chức phi chính phủ, gặp gỡ một số nạn nhân bạo lực gia đình, người gây bạo lực gia đình, trao đổi rút kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm phòng, chống bạo lực gia đình ở các địa phương.

Ban soạn thảo đã xin ý kiến của Chính phủ bằng văn bản về dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngày 29/9/2006, tại phiên họp thứ 43, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật này và thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến.

Tiếp thu ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban pháp luật, Ban soạn thảo đã chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

IV – NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ ÁN LUẬT

Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình gồm 6 chương và 44 điều, bao gồm c

ác nội dung cơ bản sau:

1. Chương I “Những quy định chung” gồm 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10) quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; các hành vi bạo lực gia đình; nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân; nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực; chính sách của Nhà nước, nguồn tài chính, hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình và những hành vi bị nghiêm cấm.

2. Chương II “Phòng ngừa bạo lực gia đình” gồm 5 điều (từ Điều 11 đến Điều 15) quy định về thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về gia đình; hoà giải mâu thuẫn và tranh chấp giữa các thành viên gia đình; giáo dục tại cộng đồng; các biện pháp khác để phòng ngừa bạo lực gia đình.

3. Chương III “Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình”, gồm 2 mục với 12 điều (từ Điều 16 đến Điều 27).

Mục 1 quy định các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, gồm: quy định về phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình; biện pháp ngăn chặn, bảo vệ; cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã; cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình theo quyết định của Toà án; chăm sóc nạn nhân tại cơ sở y tế; tư vấn cho nạn nhân; hỗ trợ khẩn cấp, đảm bảo nhu cầu thiết yếu.

Mục 2 quy định về các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình, gồm: cơ sở y tế nhà nước; cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước; cơ sở hỗ trợ nạn nhân; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

4. Chương IV. “Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, tổ chức, cơ quan trong phòng, chống bạo lực gia đình” gồm 8 điều (từ Điều 28 đến Điều 34) quy định về trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình của cá nhân, gia đình; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình ở trung ương, Bộ Y tế, cơ quan bảo vệ pháp luật và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Chương V “Xử lý hành vi bạo lực gia đình, các hành vi vi phạm pháp luật khác và khiếu nại, tố cáo” xử lý hành vi bạo lực gia đình, các hành vi vi phạm pháp luật khác và khiếu nai, tố cáo bao gồm 5 điều (từ Điều 35 đến Điều 40) quy định về xử lý người có hành vi bạo lực; xử lý vi phạm hành chính người có hành vi bạo lực; tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm hành chính; xử lý người ép buộc, xúi giục người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình; xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền trong phòng, chống bạo lực gia đình; khiếu nại, tố cáo.

6. Chương VI “Điều khoản thi hành” gồm 4 điều (Điều 41 đến Điều 44) quy định về áp dụng luật đối với nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ, chồng, hoặc vợ, chồng đã ly hôn; áp dụng luật đối với người nước ngoài; hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành luật.

V- NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU

Trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến về nội dung dự án luật, hiện có ý kiến khác nhau về một số nội dung của dự án luật, Uỷ ban về các vấn đề xã hội xin trân trọng báo cáo và xin Quốc hội cho ý kiến, cụ thể như sau:

1. Về phạm vi áp dụng

Dự thảo Luật quy định luật này áp dụng đối với thành viên gia đình (khoản 1 Điều 2) đã được quy định trong Luật hôn nhân và gia đình, cụ thể là : Thành viên gia đình là những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau. Các đối tượng này có những mối quan hệ ràng buộc đặc biệt về mặt tình cảm (tính riêng tư của sự gần gũi hoặc mối liên hệ thân thiết kéo dài giữa các bên), sự phụ thuộc về kinh tế hoặc các ràng buộc pháp lý giữa nạn nhân và người có hành vi bạo lực. Các hành vi bạo lực thường xảy ra đằng sau cánh cửa khép kín. Do đó cần phải có những biện pháp đặc thù trong xử lý bạo lực giữa họ thì mới có hiệu quả.

Bên cạnh đó, tại Chương VI về điều khoản thi hành, Điều 41 dự thảo Luật quy định:Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng hoặc vợ, chồng đã ly hôn có hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này thì cũng áp dụng những quy định của Luật này như đối với thành viên gia đình.”

Dự thảo Luật quy định áp dụng các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình cả đối với nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng hoặc vợ, chồng đã ly hôn là dựa trên cơ sở thực tiễn cuộc sống nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa những người này và nhằm mục đích chính là để bảo vệ nạn nhân trong đó đa số là phụ nữ. Quy định luật áp dụng đối với cả những người đã ly hôn vì sau khi ly hôn bạo lực vẫn có thể xảy ra do họ vẫn còn quan hệ về nghĩa vụ chăm sóc con cái hoặc các mối quan hệ với họ hàng, bạn bè trước đây. Kết quả khảo sát cũng như ý kiến góp ý cho rằng tình hình bạo lực diễn ra khá phổ biến trong các nhóm này.

Quy định tại Điều 41 không phải là khuyến khích, hoặc tạo cơ sở pháp lý cho mối quan hệ giữa những người không có đăng ký hôn mà sống chung như vợ chồng, mà chỉ đảm bảo tất cả nạn nhân sẽ được hỗ trợ và bảo vệ đặc biệt. Hầu hết các quốc gia có luật về phòng chống bạo lực gia đình đều điều chỉnh cả đối tượng này trong luật.

Một lý do nữa cũng cần tính đến đó là tình trạng nam nữ chưa đăng ký kết hôn (mới làm lễ cưới) vì nhiều lý do khác nhau vẫn đang còn phổ biến ở một số vùng[7].

Đa số ý kiến tán thành với phạm vi áp dụng nêu trên, tuy nhiên, vẫn còn có các loại ý kiến khác về phạm vi áp dụng sau đây:

– Luật phòng chống bạo lực gia đình chỉ nên áp dụng với các thành viên gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình;

– Luật chỉ áp dụng đối với các thành viên gia đình sống chung trong cùng một nhà.

2. Về các hành vi bạo lực gia đình (Điều 3)

Điều 3 của dự thảo Luật quy định về các hành vi bạo lực gia đình theo hướng cụ thể để bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành luật. Việc quy định cụ thể các hành vi ngay trong luật là một thông điệp rất quan trọng gửi tới xã hội và cộng đồng rằng những hành vi hiện hành mà nhiều người coi đó là quyền của họ được ”dạy bảo” hay là chuyện nội bộ gia đình sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 3 của dự thảo Luật quy định cả hành vi bạo lực về tình dục (cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc có hành vi khác xâm phạm đến đời sống tình dục), bởi vì kết quả khảo sát thực tế cho thấy người dân có nhiều bức xúc về vấn đề này hơn cả chuyện đánh đập, chửi mắng và nó gây tổn thương về sức khoẻ, tình cảm vợ, chồng.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, đa số ý kiến tán thành với việc quy định trên. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác như sau:

– Luật chỉ nên quy định theo hướng khái quát làm 4 loại: bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế, các hành vi bạo lực cụ thể sẽ được hướng dẫn bằng văn bản dưới luật, như vậy sẽ tránh bị bỏ sót hành vi vi phạm.

– Chỉ nên quy định bạo lực gia đình về thể xác, tinh thần, kinh tế mà chưa nên quy định về bạo lực tình dục, bởi vấn đề này có thể chưa phù hợp với phong tục và văn hoá của nước ta và nó cũng chỉ là một hình thức của bạo lực tinh thần.

3- Về các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình:

Trong quá trình soạn thảo dự án luật, nhiều ý kiến cho rằng việc ban hành luật này là rất cần thiết để nhằm xử lý, giải quyết tình trạng bạo lực gia đình đang khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng việc ban hành luật này có thể làm tăng nguy cơ gây tan vỡ gia đình.

Tiếp thu các ý kiến cảnh báo trên và căn cứ kết quả khảo sát thực tế, Dự án luật phòng, chống bạo lực gia đình được xây dựng trên quan điểm lấy biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình là chính, phải giải quyết mâu thuẫn, xích mích gia đình ngay từ khi mới phát sinh để hạn chế phát triển thành các xung đột gây hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ tính mạng và nhân phẩm, qua đó sẽ góp phần hạn chế ly hôn, bảo vệ sự bền vững của gia đình.

Nội dung của Chương 2 quy định về các biện pháp phòng ngừa, đó là phát huy vai trò thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải và vai trò của gia đình, cộng đồng; đó là quy định các biện pháp về giáo dục tại cộng đồng. Đây là những biện pháp đã được áp dụng ở nhiều địa phương và mang đậm nét văn hoá Việt Nam. Ngoài ra, biện pháp hỗ trợ cai nghiện rượu cũng là đề xuất rất đặc trưng và đáp ứng yêu cầu thực tế của cộng đồng, bởi vì hơn 60% trường hợp bạo lực gia đình là do say rượu, mượn rượu, nhưng hiện nay chúng ta chưa có quy định về vấn đề này.

4. Về biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình

Dự thảo Luật quy định, trong trường hợp khẩn cấp, cần thiết để bảo vệ sự an toàn của nạn nhân bạo lực gia đình, tránh các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, căn cứ vào yêu cầu của nạn nhân hay người đại diện hợp pháp của nạn nhân hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người có thẩm quyền quy định tại Điều 18, Điều 19 của dự thảo Luật có thể ra quyết định áp dụng biện pháp cấm người gây bạo lực tiếp xúc với nạn nhân trong một thời hạn nhất định. Quy định này xuất phát qua kinh nghiệm khảo sát thực tế, rất nhiều cán bộ tòa án cho rằng giá như có biện pháp để bảo vệ nạn nhân trong thời gian chờ xét xử thì sẽ không có hiện tượng bạo lực leo thang; hay nhiều nạn nhân bạo lực gia đình rất muốn có biện pháp pháp lý làm hàng rào bảo vệ. Cụ thể biện pháp này như sau:

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền ra quyết định cấm tiếp xúc trong thời hạn 3 ngày, đây là quyết định hành chính để bảo vệ nạn nhân, không phải là quyết định xử lý vi phạm đối với người có hành vi bạo lực;

– Toà án khi đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân và người gây bạo lực gia đình có quyền ra quyết định cấm tiếp xúc tối đa là 4 tháng.

Việc quy định thời gian cấm tiếp xúc giữa nạn nhân và người gây bạo lực gia đình theo quyết định của Chủ tịch xã là 3 ngày, bởi vì đây là quyết định của cấp cơ sở, thời gian 3 ngày là phù hợp để hai bên có đủ thời gian trấn tĩnh, nạn nhân được an toàn trước khi hòa hợp với nhau.

Đối với quyết định cấm tiếp xúc của Tòa án, thời gian cấm tiếp xúc tối đa 4 tháng, vì đây là biện pháp chủ yếu chỉ áp dụng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự (chủ yếu là hôn nhân gia đình) có nguyên nhân từ bạo lực gia đình nghiêm trọng. Thời gian tối đa 4 tháng phù hợp với thực tế khi thụ lý, xét xử các vụ án về ly hôn, bảo đảm trong thời gian chờ đợi xét xử nạn nhân không tiếp tục bị bạo lực.

Khi đã có quyết định của chính quyền, của Tòa án, nạn nhân và thân nhân của họ và những người giúp đỡ nạn nhân, chính quyền cơ sở có thêm cơ sở pháp lý để ngăn chặn kẻ gây bạo lực tiếp cận và hành hung nạn nhân.

Thực tế hiện nay, trong nhiều trường hợp, do để bạo lực gia đình xảy ra trong một thời gian dài và cuối cùng đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới án mạng. Nguyên nhân là do xã hội, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền chưa nhận thức đầy đủ về tính chất leo thang của bạo lực gia đình, thiếu các biện pháp phù hợp trong quá trình xử lý hành vi bạo lực. Nếu có thêm biện pháp cấm tiếp xúc để cách ly người gây bạo lực với nạn nhân thì chắc chắn sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ xảy ra các hậu quả nghiêm trọng.

Để phù hợp với điều kiện của nước ta, dự thảo Luật quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc có quyền buộc người có hành vi bạo lực ra khỏi nơi ở chung với nạn nhân trong thời gian cấm tiếp xúc nếu nạn nhân có yêu cầu; Toà án khi quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì phải xem xét đến yếu tố nạn nhân và người gây bạo lực phải có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc, không quy định nhất thiết buộc người có hành vi bạo lực phải rời khỏi nơi ở chung.

Cấm tiếp xúc là biện pháp rất đặc thù để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đây là biện pháp nhạy cảm nên phải có nhiều điều kiện ràng buộc khi ra quyết định cấm tiếp xúc, trong đó quan trọng nhất là phải do yêu cầu của nạn nhân, không áp đặt biện pháp này nếu nạn nhân không yêu cầu.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, đa số ý kiến tán thành với quy định về biện pháp cấm tiếp xúc nêu trên. Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến băn khoăn vì đây là biện pháp mới, lại áp dụng trong mối quan hệ rất đặc biệt là gia đình, do đó e ngại tính khả thi của quyết định cấm tiếp xúc với nạn nhân.

Riêng về thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc ở cấp xã, Chính phủ đề nghị chỉ giao cho cơ quan Công an.

5- Về cơ sở hỗ trợ, tư vấn nạn nhân bạo lực gia đình (Điều 26)

Điều 26 dự thảo Luật quy định về cơ sở hỗ trợ, tư vấn nạn nhân bạo lực gia đình theo hướng khuyến khích cá nhân, tổ chức thành lập các cơ sở này. Nạn nhân trong lúc bị xúc phạm, đánh đập họ rất cần sự che chở, khuyên răn của người thân, họ hàng và bạn bè cũng như rất cần người tâm sự để chia sẻ bớt nỗi đau vì bị xúc phạm. Do đó, hiệu quả nhất là người thân của nạn nhân sẽ làm việc này. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp người thân của nạn nhân không làm được, vì họ kết hôn với người ở xa gia đình, hoặc người thân cũng có tư tưởng phong kiến lạc hậu, hay lo ngại sợ mang tiếng, vả lại tư vấn tâm lý là một nghề không phải ai cũng có kinh nghiệm kiến thức để hướng dẫn nạn nhân.

Thực tế hiện nay đã và đang có hàng loạt trung tâm trợ giúp xã hội (về vật chất), tư vấn nạn nhân bạo lực gia đình (trực tiếp hạy qua điện thoại). Đây là những trung tâm không chỉ trợ giúp riêng cho nạn nhân bạo lực gia đình mà còn giúp đỡ nhiều đối tượng xã hội khác, hoạt động hoàn toàn mang tính nhân đạo, từ thiện. Để các trung tâm này hoạt động đúng chức năng, đảm bảo chất lượng tư vấn, hướng dẫn nạn nhân bạo lực gia đình, Điều 26 quy định cụ thể điều kiện thành lập, hoạt động của trung tâm tư vấn hỗ trợ nạn nhân, đồng thời trách nhiệm của nhà nước trong việc hỗ trợ một phần kinh phí cho các trung tâm.

Trong quá trình xây dựng Luật, đa số ý kiến thống nhất với quy định trên. Tuy nhiên có một số ý kiến băn khoăn cho rằng sẽ có rất ít người qua tâm đầu tư xây dựng các cở sở này, cũng chưa rõ cơ chế để Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí cho các trung tâm.

6- Về hình thức xử phạt bổ sung với người có hành vi bạo lực gia đình (Điều 36)

Điều 36 dự thảo Luật quy định đối với mỗi vi phạm hành chính thì người có hành vi bạo lực gia đình phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền, ngoài ra tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Các hình thức xử phạt bổ sung theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính; Lao động vì lợi ích cộng đồng trong thời gian không quá 3 ngày; Tham gia giáo dục bắt buộc nhằm thay đổi hành vi (khoản 3, Điều 36).

Lao động vì lợi ích cộng đồng trong thời gian không quá 3 ngày (không phải là nghĩa vụ lao động công ích) và tham gia giáo dục bắt buộc nhằm thay đổi hành vi là 2 hình thức xử phạt bổ sung mới được quy định trong dự thảo Luật. Hai hình thức này chủ yếu nhằm giáo dục, răn đe người có hành vi bạo lực gia đình, không nhằm vào mặt kinh tế. Thực tiễn tại một số địa phương đã áp dụng rất có hiệu quả hình thức lao động vì lợi ích cộng đồng đối với người có hành vi bạo lực gia đình. Nhiều người dân ủng hộ việc quy định về 2 hình thức phạt bổ sung nêu trên[8] và cho rằng những biện pháp này cần thiết và có hiệu quả hơn là phạt tiền hoặc tạm giữ người có hành vi bạo lực. Do đây là 2 hình thức xử phạt bổ sung mới, nên dự thảo Luật quy định giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và kịp thời điều chỉnh trong thực tế thực hiện.

Trong quá trình xây dựng luật, đa số ý kiến tán thành với các quy định trên, song có một số ý kiến cho rằng không nên quy định về hình thức lao động vì lợi ích cộng đồng trong thời gian không quá 3 ngày vì e ngại vi phạm danh dự, nhân phẩm của người có hành vi bạo lực gia đình.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình mặc dù rất phổ biến tại cộng đồng, song do nhiều nguyên nhân nó chưa được xử lý một cách triệt để, đây là tình trạng chung diễn ra trên toàn thế giới chứ không riêng gì ở nước ta.

Hiện nay gần 90 quốc gia đã có luật riêng về phòng, chống bạo lực gia đình. Chúng tôi cũng được biết rằng, tại nhiều quốc gia quá trình ban hành luật phòng, chống bạo lực gia đình gặp nhiều khó khăn do tính nhạy cảm trong mối quan hệ gia đình, cũng như phong tục, văn hóa và các yếu tố xã hội khác. Tuy nhiên, luật pháp trong lĩnh vực xã hội nói chung và trong ngăn ngừa bạo lực gia đình nói riêng là một nhu cầu bức thiết, dựa trên những nguyên tắc chung về pháp lý cùng với tính chất đặc thù để điều chỉnh những quan hệ xã hội đa dạng, nhạy cảm, đang nảy sinh trong quá trình phát triển.

Rất mong quý vị Đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến để dự thảo luật hoàn chỉnh và có tính khả thi cao. Xin trân trọng cám ơn.

T/M UỶ BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Chủ nhiệm

(đã ký)

Nguyễn Thị Hoài Thu


[1] Khảo sát tại 8 tỉnh ở 8 vùng trên cả nước do Uỷ ban về CVĐXH phối hợp với một số viện nghiên cứu tiến hành trong 6 tháng đầu năm 2006 đã phỏng vấn 2000 người gồm nhân dân, nạn nhân BLGD, người gây BLGD, cán bộ xã; cán bộ y tế, công an, phụ nữ và toà án cấp huyện. Mục đích của cuộc khảo sát:

 

 

Sơ bộ đánh giá thực trạng, nguyên nhân của BLGĐ

Đánh giá hiệu quả của các biện pháp hiện hành và thăm dò ý kiến nhân dân về dự kiến một số biện pháp về phòng, chống BLGĐ

[2]Kết quả khảo sát cho thấy hàng năm 2,3% gia đình có hành vi bạo lực về thể chất (đánh đập), 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần, 30% cặp vợ chồng có hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục.

[3] Theo báo cáo của một số trung tâm y tế cấp huyện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, bình quân mỗi năm một trung tâm y tế huyện tiếp nhận gần 100 ca tự tử, trong đó gần 50% là thanh niên, nguyên nhân chủ yếu do bố mẹ cản trở quan hệ yêu đương, hôn nhân của con cái. Bên cạnh đó, tình trạng con cái say rượu về hành hung bố, mẹ già cũng không phải là hiếm ở các vùng, thậm chí do bị hành hung quá nên có trường hợp cha/mẹ đã phải tự tử, hoặc thậm chí giết con

Báo cáo của công an một huyện vùng miền núi Tây Bắc cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2006, kiểm tra ở 4 trong số 9 xã có đồng bào Mông đã có 24 vụ tự tử bằng lá ngón làm 11 người chết. Trong giai đoạn 2001-2005, mỗi năm có 10-20 vụ tự tử bằng lá ngón do nguyên nhân chính là bị vợ ngược đãi, vì chồng có vợ hai; hay tảo hôn..

[4] Trong năm 2005 có 14% số vụ giết người liên quan đến bạo lực gia đình (151/1113 vụ giết người), trong đó 39 vụ chồng giết vợ, 8 vụ vợ giết chồng)

[5] Theo báo cáo của Sở Y tế 1 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2005, số bệnh nhân là nạn nhân hoặc có dấu hiệu là nạn nhân bạo lực gia đình đã điều trị là 1.319 bệnh nhân, trong đó có 1.011 người tự tử với 30 người bị chết; báo cáo của sở y tế 1 tỉnh ở Tây Nguyên, có 715 người tự tử với 27 người bị chết liên quan đến bạo lực gia đình..

[6] Có những quốc gia ước tính các hậu quả do bạo lực gia đình gây ra tương đương với 7% GDP.

[7] Báo cáo của Bộ Tư pháp ngày 5/1/2005 tổng kết công tác đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH11 cho thấy, đến ngày 31/7/2004 các địa phương trong cả nước đã rà soát được 1.683.697 trường hợp hôn nhân thực tế, đã đăng ký được 1.375.548 trường hợp, còn tồn đọng 170.868 trường hợp. Số đã được rà soát chỉ là một phần của hôn nhân thực tế.

[8] Theo kết quả khảo sát tại 8 tỉnh, thành phố, trong số 2000 người được hỏi có 81% ý kiến đề nghị buộc người có hành vi bạo lực phải học tập về pháp luật, gia đình nhằm thay đổi hành vi; 55% ý kiến đề nghị buộc người vi phạm phải làm việc phục vụ lợi ích cộng đồng trong 1 thời gian nhất định.

Exit mobile version