I. VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM
1-Ý kiến góp ý chung
Vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm là dự thảo cần đưa ra những quy định thực sự có tính khả thi, quy định chi tiết trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể (nhà nước, tổ chức, công dân) trong thực hiện bình đẳng giới, trong đó cần tập trung quy định cụ thể việc bình đẳng giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội (Chương II), vì nhiều quy định còn rất chung chung. Một số ý kiến lưu ý cần rà soát lại các quy định để không chệch hướng sang bất bình đẳng với nam, ví dụ: quy định lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm theo quy định của pháp luật như là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới (điểm b khoản 3 điều 10) là chưa ổn, vì chính sách của nhà nước ta trong việc hỗ trợ lao động khu vực nông thôn từ trước đến nay luôn đảm bảo bình đẳng trong lĩnh vực này.
2. Phạm vi điều chỉnh
Hầu hết ý kiến cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đã có những quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới và để tránh sự trùng lắp với các quy định trong các Luật chuyên ngành, Luật bình đẳng bình giới chỉ nên quy định các nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới; các hành vi vi phạm bình đẳng giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình; việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
3. Về tên gọi của Luật
-Đa số ý kiến đồng ý với tên gọi “Luật bình đẳng giới” vì cụm từ này hiện nay cũng đã được xã hội chấp nhận và sử dụng nhiều trong các Nghị quyết gần đây của Đảng, các văn bản của Chính phủ. Tên gọi “bình đẳng giới” phản ánh đúng nội dung điều chỉnh và mục tiêu của Luật.
4. Về bố cục của Dự thảo Luật
Các ý kiến cho rằng bố cục của dự thảo đã được UBTVQH chỉnh sửa là chặt chẽ và hợp lý.
5. Về tuổi nghỉ hưu của người lao động (Điều 11)
Vấn đề tuổi nghỉ hưu của người lao động nên để quy định trong Bộ luật lao động, pháp luật về cán bộ công chức và Luật bảo hiểm xã hội cho thống nhất. Tuổi được hưởng lương hưu trong một số trường hợp như cán bộ khoa học, chính trị, quản lý do Chính phủ quy định. Bởi vì dù có quy định trong dự án Luật bình đẳng giới tuổi nghỉ hưu có khác với luật chuyên ngành (Bộ luật lao động) thì vẫn phải áp dụng luật chuyên ngành.
6. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới (Điều 7)
-Đa số ý kiến cho rằng vấn đề bình đẳng giới có liên quan đến nhiều lĩnh vực do nhiều bộ, ngành khác nhau quản lý, do đó không nên thành lập cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bình đẳng giới mà nên giao cho Chính phủ trực tiếp quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Điều này phù hợp với Luật tổ chức Chính phủ và phù hợp với chủ trương cải cách hành chính nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ trong việc chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý. Do đó đề nghị chọn ý kiến phương án 2: “không quy định cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bình đẳng giới”.
-Có 1 ý kiến đề nghị chọn phương án 1, cần thiết có một cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
7. Về quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và tham gia quản lý, lãnh đạo.
-Nhiều ý kiến chọn phương 1: “chỉ quy định có tính nguyên tắc về tỷ lệ (tỷ lệ cụ thể sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới và tình hình thực tế), theo đó tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tỷ lệ nữ trong cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tỷ lệ nam, nữ trong bổ nhiệm các chức danh thuộc các ngành, nghề có chức danh phải phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới”.
Các ý kiến này cho rằng Luật cần phải áp dụng trong thời gian lâu dài do vậy tỷ lệ nam, nữ trong mỗi kỳ Quốc hội, HĐND có thể khác nhau do nhiều yếu tố tình hình khách quan. Mặt khác nếu quy định tỷ lệ cụ thể sẽ dễ dẫn đến việc gượng ép, hạ thấp chuẩn để đảm bảo tỷ lệ. Do đó chỉ nên đưa ra nguyên tắc và UBTVQH sẽ quy định cụ thể phù hợp với thực tế.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ
1. Về đối tượng áp dụng (điều 2)
Khoản 2 điều 2: Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “sinh hoạt” vào trước cụm từ “cá nhân nước ngoài”, cụ thể như sau: “Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân nước ngoài sinh hoạt, cư trú hợp pháp tại Việt Nam”
2. Về giải thích từ ngữ (điều 3)
-Có ý kiến đề nghị viết lại khoản 9 điều 3 như sau: “Hoạt động bình đẳng giới” bao gồm: Giáo dục, thông tin, tuyên truyền về giới và pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình; hỗ trợ các cá nhân, tổ chức hoạt động vì mục tiêu bình đẳng giới; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới; khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong các hoạt động vì mục tiêu bình đẳng giới.
3. Về các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới (Điều 4)
-Ý kiến chung cho rằng các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới được quy định tại điều 4 của dự thảo Luật là phù hợp.
-Khoản 3, điều 4: “ Các chính sách nhằm bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới” Có ý kiến cho rằng dự thảo cần thiết phải giữ lại biện pháp tạm thời này nhưng nên đưa vào nội dung Chính sách của của Nhà nước về bình đẳng giới (khoản 2 điều 5) và không nên xem đó là nguyên tắc.
-Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc “Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của Nhà nước và mọi công dân”.
4.Về chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới (điều 5)
Khoản 1 điều 5: có ý kiến đề nghị không liệt kê các lĩnh vực như ở đoạn đầu của khoản 1 điều 5 mà cần viết gọn lại là “Bảo đảm bình đằng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình…”
5.Về các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới
Đề nghị quy định rõ hơn về thẩm quyền ban hành, điều kiện áp dụng, các biện pháp thúc đẩy và việc chấm dứt biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Đồng thời cần nêu rõ như thế nào là có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này.
6. Về chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới (điều 5)
-Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “Nuôi dạy con” vào khoản 2 điều 5 nhằm khẳng định chia sẻ trách nhiệm của cả chồng và vợ trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Cụ thể: “Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện và khuyến khích nam, nữ chia sẻ công việc nuôi dạy con và lao động gia đình”.
-Khoản 4 điều 5: đề nghị thay cụm từ “khuyến khích” bằng cụm từ “tạo điều kiện”, cụ thể: “Tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới”.
7.Về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị (Điều 9)
-Khoản 2 điều 9: có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “pháp luật” vào trước cụm từ “thực hiện”, cụ thể: “Nam, nữ bình đẳng tham gia xây dựng và thực hiện pháp luật, hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức”.
-Khoản 3 điều 9: có ý kiến đề nghị thay cụm từ “trong việc được” bằng cụm từ “về quyền” và bỏ bớt cụm từ “được ứng cứ và giới thiệu ứng cử vào”. Cụ thể, sửa lại khoản 3 điều 9 như sau: “ Nam, nữ bình đẳng về quyền tự ứng cử và giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp”.
8.Về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo (điều 12); Bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (điều 13)
-Có ý kiến đề nghị nhập điều 12 và điều 13 thành chung một điều là “Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ”.
-Khoản 4 điều 12 quy định “Cán bộ, công chức nữ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mà phải mang con theo dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ”. Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm đối tượng “lao động nữ” vì hiện nay không chỉ có cán bộ, công chức nữ tham gia các khóa đạo tạo, bồi dưỡng mà các lao động nữ làm việc trong các đơn vị, tổ chức kinh tế cũng phải tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề. Đề nghị sửa khoản 4 điều 12 như sau: “Cán bộ, công chức nữ, lao động nữ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mà phải mang con theo dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ”
-Mục a,b khoản 5 điều 12: có ý kiến đề nghị nên sửa lại ưu tiên cho nữ trong điều kiện cụ thể, không nên quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc chỉ hỗ trợ dạy nghề cho lao động nữ khu vực nông thôn (trong tình hình kinh tế xã hội hiện nay Nhà nước phải có trách nhiệm cho công dân nam, nữ).
9. Về bình đẳng trong gia đình (điều 16)
-Một số ý kiến cho rằng không nên đưa quy định bình đẳng về quyền thừa kế giữa nam và nữ trong gia đình vào Luật bình đẳng giới vì đây là quyền lợi của mọi công dân không phân biệt giới đã được Bộ Luật dân sự quy định rõ, đó là quyền chủ sở hữu thể hiện qua di chúc hoặc theo quy định về chia quyền thừa kế trong trường hợp không có di chúc.
-Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm khoản 6 vào điều 16 như sau: “ Con trai, con gái đã trưởng thành bình đẳng về trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ”.
10. Về các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới (điếu 17)
Có ý cho rằng dự thảo Luật không nên “quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia, thụ hưởng;” vì như vậy sẽ mâu thuẫn với các điều đã quy định như điều 12, điều 13, điều 15.
11-Về trách nhiệm của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (điều 28)
Có ý kiến đề nghị đưa khoản 5 điều 28 “Thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới” lên thành khoản 5 điều 27, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đều có quyền thực hiện trách nhiệm này.
12-Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khác (Điều 30)
Đề nghị bỏ đoạn “tuỳ khả năng, điều kiện của mình…” ở khoản 4 điều 30, vì nếu quy định như dự thảo sẽ không đảm bảo khả thi, các cơ quan, tổ chức không thực hiện việc tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới cũng không chịu chế tài gì.
13. Về bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật:
Có ý kiến đề nghị thay thuật ngữ “đưa vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật” bằng thuật ngữ “lồng ghép giới”, vì thuật ngữ này đã được sử dụng tương đối phổ biến trong nhiều năm qua, phù hợp với ý nghĩa của các chương trình, dự án quốc tế cũng như hợp tác quốc tế liên quan đến vấn đề giới; ngoài ra thuật ngữ “lồng ghép giới” không gói gọn trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mà còn có ý nghĩa rộng hơn trong hoạt động.
14-Về thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới (Chương V)
-Có ý kiến cho rằng các điều 33 (thanh tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới ); điều 34 (giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới); điều 35 (khiếu nại, tố cáo); điều 36 (thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại); điều 37 (tố cáo, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới) đã được các luật chuyên ngành khác quy định đầy đủ như Luật khiếu nại, tố cáo, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật tổ chức HĐND-UBND; Luật thanh tra….Do đó, không cần thiết phải quy định trong Luật bình đẳng giới để tránh trùng lắp (ngay trong dự thảo, điều 35 về khiếu nại, tố cáo và điều 37 về tố cáo, giải quyết tố cáo … cũng đã có nội dung trùng lắp).
-Trong điều 46 (các hành vi vi phạm về bình đẳng giới trong gia đình), có ý kiến đề nghị bổ sung “hành vi bạo hành trong gia đình”
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP.HCM
http://www.dbnd.hochiminhcity.gov.vn
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN |
Leave a Reply