admin@phapluatdansu.edu.vn

VỀ SỰ BIẾN ĐỔI MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁ NHÂN – XÃ HỘI VÀ NHỮNG SUY NGHĨ XÂY DỰNG CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

maternal-bond.jpgVŨ VĂN HẠC
Tạp chí Nghiên cứu con người

Bước vào thế kỷ XXI, vai trò của con người đối với sự phát triển lại càng chiếm vị trí nổi trội. Do vậy, việc nghiên cứu con người với tư cách là đối tượng được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Thực tiễn cho thấy, trong hơn chục năm gần đây vấn đề con người được nghiên cứu khá nhiều ở những chiều cạnh khác nhau, song về cơ bản trên phương diện khoa học xã hội theo chúng tôi nghiên cứu con người có 3 nội dung cơ bản: cá thể, cá nhân, nhân cách (tức là “con người” đại diện cho loài là “cá thể”, “con người” khi là thành viên của xã hội là “cá nhân”, “con người” khi là chủ thể hoạt động là “nhân cách”).

Trong khuôn khổ của bài viết này, bước đầu, chúng tôi đề cập tới nội dung “con người” khi là thành viên xã hội, tức cá nhân, đặc biệt chú ý tới mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội.

Trong Luận cương VI về Feuerbach, C.Mác chỉ rõ: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hoà những quan hệ xã hội”. Điều đó có nghĩa là cần xem xét con người với tư cách là cá nhân trong mối quan hệ với xã hội, với điều kiện lịch sử cụ thể và với tình hình kinh tế xã hội của thời đại, chứ không phải con người chung chung, trừu tượng, thoát ly hiện thực. Do vậy, khi nghiên cứu sự biến đổi quan hệ cá nhân và xã hội cũng chính là nghiên cứu con người trong tính lịch sử của nó, con người đang chịu sự tác động của hoàn cảnh và cải tạo hoàn cảnh. Vì lẽ đó, đương nhiên trong giai đoạn hiện nay xã hội chuyển nhanh từ trạng thái “cũ” sang trạng thái “mới” (tức từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại), từ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội cũng cần phải được nhìn nhận trong sự biến đổi ấy.

Đối với con người Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện đại, mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội hết sức khăng khít trong một hệ thống bền chặt Nhà – Làng – Nước. Điều này được biểu hiện rất rõ ở tính cộng đồng:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng”.

hay “Lá lành đùm lá rách”, “Chị ngã em nâng”

Tính cộng đồng bền chặt có ở con người Việt Nam cũng là điều dễ hiểu, bởi vì họ là những công dân của một Quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi, luôn phải đối mặt với những thế lực nhòm người có mưu đồ xâm lăng và đồng hoá, bởi vì họ là công dân của một đất nước có điều kiện khí hậu “mưa chẳng thuận, gió chẳng hoà”… Trong bối cảnh đó, vận mệnh của cá nhân luôn gắn chặt vào vận mệnh cộng đồng và xã hội và cá nhân sẵn sàng hy sinh những lợi ích riêng để bảo vệ lấy lợi ích chung, bảo vệ được cái chung cũng chính là sẽ giải quyết được cái riêng. Vì thế sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam vẫn giành lại được độc lập, cốt cách của con người Việt Nam vẫn được giữ vững và phát huy.

Bước vào thời kỳ độc lập, tự chủ sau hàng ngàn năm ở triều đại phong kiến, Việt Nam lại bị các thế lực thực dân cũ và mới xâm lược. Trong bối cảnh đó, tính cộng đồng ấy lại được phát huy và khẳng định với một ý chí: tất cả vì chiến thắng tất cả cho Tổ quốc quyết sinh. Ý chí đó là sợi chỉ đỏ chỉ đạo những con người tạm thời hy sinh những nhu cầu cá nhân (tình yêu, gia đình, mơ ước riêng tư, thậm chí cả sự nghiệp…) để vì cái chung, đó là giành lại độc lập cho Tổ quốc. Đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, những “cá nhân anh hùng” lại trở về với đời thường trong mối lo toan hối hả. Lẽ ra ở giai đoạn này, những chính sách cũng như đường lối xây dựng đất nước phải xử lý tất mối quan hệ giữa cá nhan và xã hội (xét về nhu cầu và lợi ích), đặc biệt phải chú ý chăm lo đời sống cá nhân (mọi nhu cầu cá nhân phải được giải quyết và thực hiện một cách thỏa đáng). Thế nhưng, trên nền vinh quang chiến thắng đó, cùng với một tư duy duy ý chí, chúng ta muốn xây dựng ngay CNXH trên một nền tảng xã hội thiếu vững chắc, lực lượng sản xuất kém phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, những nhu cầu ăn, mặc, ở… chưa được giải quyết, dẫn tới hiện tượng có sự mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất), cho nên nền kinh tế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng chỉ rõ: “…đã có biểu hiện nóng vội xoá ngay các thành phần kinh tế phi XHCN, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh… Nội dung cải tạo thường nhấn mạnh cải tạo quan hệ sản xuất mà không coi trọng các vấn đề tổ chức quản lý và chế độ phân phối” hay “…đã mắc bệnh duy ý chí, đơn giản hoá, muốn thực hiện nhanh chóng nhiều mục tiêu của CNXH. Chúng ta đã có những thành kiến không đúng, trên thực tế, chưa thật sự thừa nhận những quy luật của sản xuất hàng hoá đang tồn tại khách quan, do đó, không chú ý vận dụng chúng vào việc chế định các chủ trương, chính sách kinh tế”.

Thừa nhận những sai lầm khuyết điểm trong cơ chế chính sách một thời gian dài làm mất động lực phát triển xã hội, Đảng ta đã chủ động tiến hành đổi mới nền kinh tế, từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Nghĩa là chính sách kinh tế phải giải quyết được câu hỏi: làm sao phát huy được tối đa sự phát triển toàn diện các cá nhân? Làm sao để chăm lo đời sống vật chất cho mỗi cá nhân trong xã hội? Mặt khác, chấp nhận nền kinh tế thị trường là chấp nhận nền kinh tế vận hành theo quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh… tức nền kinh tế đòi hỏi phải có sự năng động, sáng tạo, và phát huy vai trò của cá nhân, lấy hiệu quả kinh tế làm trọng. Tất cả quy luật và yêu cầu này đã và dang là tác nhân quan trọng để phá vỡ những cái “cũ” và hình thành cái “mới” trong quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Nói như C.Mác, mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ đang suy đồi, những tập quán được thần thánh hóa và sự “xung đột” giữa cũ và mới trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội được biểu hiện ở một số điểm căn bản:

Thứ nhất, nền sản xuất nông nghiệp tự cấp, tự túc tạo sự khép kín trong một khuôn khổ gia đình và làng xã, do đó tạo nên những cá nhân có tính bảo thủ khá cao. Với điều kiện như vậy, dễ đàng luyện cho con người lối sống: “Năng nhặt, chặt bị”, khuyến khích sự khéo tay, hay làm mà xa lạ với sự cách tân, đổi mới, tìm tòi, xung kích… Điều đặc biệt hơn, nền sản xuất nhỏ ấy lại được đung dưỡng bởi một hệ tư tưởng Nho giáo với sự phân chia đẳng cấp: Sĩ – Nông – Công – Thương. Cụ thể là trong bảng thang giá trị ấy, tầng lớp Sĩ (kẻ sĩ hay tầng lớp có học) được đứng đầu tiên trong bảng thang giá trị. Học ở đây là học sách thánh hiền, học Ngũ kinh tứ thư chứ không phải học khoa học kỹ thuật. Học ở đây là học làm quan, làm thầy chứ không phải học để làm thợ, cho nên mỗi cá nhân phải phấn đấu học cho được Ngũ kinh tứ thư, học cho được để đỗ ông Nghè, ông Tổng. Tâm lý này tồn tại tới ngày nay mà “di chứng” của nó trong xã hội chưa thể khắc phục. Đó là tình trạng: trọng bằng cấp hơn thực tài, tình trạng bằng rởm, bằng giả tồn tại không kể xiết, tình trạng thừa thầy, thiếu thợ đang tồn tại mà việc giải quyết không phải một sớm, một chiều. Cũng trong bảng thang giá trị này tầng lớp thương nhân bị xếp vào cuối bảng. Đây là tầng lớp luôn được xã hội nhìn với con mắt chẳng lấy gì làm thiện cảm. Thương nhân đồng nghĩa với vụ lợi, tiểu nhân, mánh khoé… Chính với cách nhìn như vậy, trong suốt một quá trình phát triển xã hội, tầng lớp này luôn nhỏ bé. Và đương nhiên cách nhìn và không gian xã hội đó đã dẫn tới hệ quả là hiện nay tầng lớp doanh nhân Việt Nam đang rất chật vật trong “biển cả” của nền kinh tế thị trường, trong điều kiện hội nhập và giao lưu quốc tế. Những biểu hiện thiếu tính chuyên nghiệp trong kinh doanh đó là: mất thương hiệu trên thị trường quốc tế, mất uy tín trong kinh doanh hay quảng bá sản phẩm còn yếu…

Thứ hai, trong nền kinh tế thị trường, yếu tố luật pháp có vai trò quan trọng đặc biệt. Bởi vì, việc điều chỉnh tất cả các quan hệ từ cá nhân tới xã hội đều bằng luật pháp, điều đó đảm bảo cho sự công bằng của mỗi cá nhân trong xã hội. Thế nhưng xuất phát từ xã hội tiểu nông cộng ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, những con người với tư cách cá nhân đã “vác nặng” trên vai những yếu tố truyền thống bằng lối suy nghĩ: gia đình là cái gốc của Nước, Nước là cái Nhà to, Nhà là cái Nước nhỏ. Với lối suy nghĩ như vậy, để dẫn tới một hiện tượng đặt lợi ích của Nhà trên lợi ích của Nước. Biểu hiện ở quan niệm một người làm quan cả họ được nhờ, tâm lý cục bộ, bè phái… Những biểu hiện này tránh sao khỏi hiện tượng tuỳ tiện, độc đoán bất chấp pháp luật. Tâm lý đó lại tìm được đất sống ở cơ chế “xin – cho” của nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, đó là: xin ở mọi cấp, cho ở mọi nơi. Và chính cơ chế “xin – cho” này đang làm hạn chế sự phát triển của mỗi cá nhân, là rào cản cho sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Thứ ba, cần khẳng định rằng hoàn cảnh ảnh hưởng tới con người trong chừng mực con người cải tạo hoàn cảnh, song con người cũng không thể nào thoát ly khỏi hoàn cảnh. Với dân số trên 70% làm nông nghiệp và sống ở nông thôn thì họ ít nhiều chịu sự tác động của lối sống sản xuất nông nghiệp. Do đó tác phong công nghiệp dường như vẫn còn thiếu trong mỗi cá nhân. Hiện tượng làm việc được chăng, hay chớ, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, hiệu quả kinh tế ở các cơ quan công nghiệp của Nhà nước còn thấp không phải là chuyện hiếm. Còn đối với các xí nghiệp, nhà máy, hầm mỏ… tác phong công nghiệp của mỗi công nhân cũng chưa được đề cao. Hiện tượng tuỳ tiện trong công việc, coi thường kỷ cương, kỷ luật, làm việc ít tính tới hiệu quả đang dần làm cho khu vực doanh nghiệp mất đi tính cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế…

Trên đây là đôi nét phác thảo về mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong lịch sử và sự “xung đột” giữa những giá trị “cũ” và “mới”, trong sự biến đổi quan hệ giữa cá nhân và xã hội giai đoạn hiện nay. Bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong xu thế toàn cầu hoá (trước hết toàn cầu hoá kinh tế) ở một thế giới đầy rẫy biến động và đang được chi phối bởi một “siêu cường” theo cái gọi là quy luật “mạnh được, yếu thua” thì điều đầu tiên chúng ta cần là nhận diện được mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội để từ đó điều chỉnh, phát huy được yếu tố cá nhân. Phát huy được yếu tố cá nhân sẽ tạo ra một nội lực cho xã hội. Đây sẽ là yếu tố quyết định để Việt Nam tự khẳng định mình ở thế kỷ XXI. Để làm được điều đó, đương nhiên bên cạnh việc phát huy những giá trị tốt đẹp trong mỗi cá nhân như lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tính cộng đồng… thì mỗi con người Việt Nam còn cần phải bổ sung những giá trị của thời đại được thể hiện trong ba điều sau đây:

Thứ nhất, đầu óc thực tiễn, trọng hiệu quả, tinh thần kinh doanh. Nếu thiếu giá trị này con người Việt Nam sẽ khó có thể đứng vững trên thị trường mang tính toàn cầu.

Thứ hai, trọng “chữ tín”. Trong nền kinh tế thị trường, vai trò “chữ tín” là tối quan trọng. Nếu như kinh doanh cũng như trong hợp tác mà “chữ tín” bị xem nhẹ thì đương nhiên việc tổn hại về kinh tế là khó tránh khỏi. Điều này lý giải vì sao các doanh nhân Trung Hoa thường thành công trên thương trường, bởi vì người Trung Hoa rất coi trọng chữ tín trong kinh doanh. Đối với người Hoa, vi phạm chữ tín, không tôn trọng điều kết ước là một điều đáng lên án nhất, còn hớn cả tội ác hình sự khác.

Thứ ba, coi trọng pháp luật. Xã hội muốn trật tự kỷ cương cần có hệ thống luật pháp đủ mạnh và hợp lý. Con người việt Nam từ nền sản xuất tiểu nông bước ra kinh tế thị trường còn mang nặng lối hành xử theo thói quen. Do vậy, trong giai đoạn tới yếu tố luật pháp phải là ý thức thường trực trong mỗi cá nhân cũng như trong xử lý mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội.

Theo Tạp chí Nghiên cứu con người

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading