admin@phapluatdansu.edu.vn

CÁC ĐIỀU BỔ SUNG SỬA ĐỔI CỦA HIẾN PHÁP HOA KỲ CÓ CHÚ THÍCH

 CÁC ĐIỀU NÀY bổ sung vào và là điều bổ sung sửa đổi của Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được Quốc hội đề xuất và được các bang phê chuẩn theo Điều 5 của Hiến pháp ban đầu.

Mười điều bổ sung sửa đổi đầu tiên, hay còn được gọi là Tuyên ngôn Nhân quyền, được đề xuất ngày 25/9/1789 và được phê chuẩn ngày 15/12/1791. Ban đầu, các Điều bổ sung sửa đổi chỉ hạn chế Chính phủ Liên bang. Nhưng Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 tuyên bố rằng không bang nào có thể tước đoạt cuộc sống, quyền tự do, hay tài sản của bất kỳ ai mà không thông qua “quy trình pháp lý phù hợp”. Tòa án Tối cao đã diễn đạt những từ này có nghĩa là hầu hết Tuyên ngôn Nhân quyền được áp dụng để giới hạn quyền của các bang cũng như của các chính quyền địa phương.

Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 1 TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ BÁO CHÍ; QUYỀN HỘI HỌP VÀ KIẾN NGHỊ

Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.

CHÚ THÍCH: Nhiều quốc gia chỉ có một tôn giáo và một nhà thờ chính thống (chính thức) và hỗ trợ bằng ngân quỹ của chính phủ. Điều bổ sung sửa đổi này nghiêm cấm Quốc hội thành lập hoặc bằng bất cứ cách thức nào khác hỗ trợ cho một nhà thờ chính thống như vậy. Điều này được giải thích là cấm chính phủ tán thành hay hỗ trợ cho các học thuyết tôn giáo. Ngoài ra, Quốc hội có thể không thông qua các đạo luật hạn chế việc thờ cúng, ngôn luận hoặc báo chí, hoặc ngăn cản nhân dân hội họp một cách hòa bình. Quốc hội cũng không được ngăn cản nhân dân yêu cầu chính phủ bồi thường do những đối xử bất công. Tòa án Tối cao giải thích Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 áp dụng Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất đối với các bang cũng như đối với chính phủ liên bang.

Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 2 QUYỀN MANG VŨ KHÍ

Xét thấy lực lượng dự bị có tổ chức nghiêm chỉnh là rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, quyền của dân chúng được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không bị vi phạm.

CHÚ THÍCH: Sửa đổi này được giải thích theo hai cách. Một số người tin rằng nó cho phép các công dân bình thường quyền sở hữu các loại vũ khí. Những người khác cho rằng nó chỉ cho phép các bang quyền được duy trì quân đội riêng của họ.

Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 3 NƠI Ở CỦA BINH LÍNH

Không một quân nhân nào trong thời bình được đóng quân trong bất cứ nhà dân nào nếu không được sự đồng ý của chủ nhà, và ngay trong thời chiến cũng chỉ theo qui định của luật pháp.

CHÚ THÍCH: Điều bổ sung sửa đổi này phát sinh trực tiếp từ một vụ kiện cũ chống lại người Anh khi bắt buộc nhân dân phải nhận binh lính vào ở trong nhà của họ.

Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 4 LỆNH TRUY NÃ VÀ BẮT GIỮ

Quyền của con người được đảm bảo về cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản khỏi mọi sự khám xét và bắt giam, quyền này sẽ không được vi phạm. Không một lệnh, trát nào được cấp nếu không có lý do xác đáng căn cứ vào lời tuyên thệ hoặc sự xác nhận, đặc biệt cần miêu tả chính xác địa điểm khám xét, người và đồ vật bắt giữ.

CHÚ THÍCH: Biện pháp này không ngăn cấm các nhà chức trách pháp lý truy nã, thu giữ hàng hóa hay bắt giữ người. Nó chỉ yêu cầu đơn giản rằng trong hầu hết các trường hợp các nhà chức trách phải có lệnh truy nã của tòa án khi chứng minh được yêu cầu cần thiết phải có lệnh này. Tòa án Tối cao quy định rằng các bằng chứng có được do vi phạm Điều bổ sung sửa đổi thứ 4 sẽ không được coi là bằng chứng trong phiên tòa xét xử tội phạm.

Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 5 QUYỀN TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ

Không một ai bị buộc phải chịu trách nhiệm về một tội nghiêm trọng hay một tội xấu xa khác nếu không có sự tường trình và cáo trạng của Bồi thẩm đoàn, trừ những trường hợp xảy ra trong lục quân, hải quân hoặc trong lực lượng dự bị, khi đang thi hành công vụ trong thời chiến hoặc trong tình trạng xã hội gặp hiểm nguy. Không một ai sẽ bị kết án hai lần về cùng một tội có nguy hại đến tính mạng và thân thể; không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự và bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không qua một quá trình xét xử theo đúng luật; không một tài sản tư hữu nào bị trưng dụng vào việc công mà không được bồi thường thích đáng.

CHÚ THÍCH: Một tội phạm tử hình là một người bị trừng phạt bằng cái chết. Một tội phạm bị tước quyền công dân là một người có thể bị trừng phạt bằng cái chết hoặc tống giam. Điều sửa đổi này bảo đảm rằng không ai phải hầu tòa với tư cách là tội phạm liên bang như vậy trừ khi một bồi thẩm đoàn đã kết tội (buộc tội) ông ta hoặc bà ta. Bồi thẩm đoàn là một nhóm người đặc biệt được lựa chọn để quyết định xem có đủ bằng chứng chống lại một người đang bị kiện hay không. Một người không thể bị đe dọa hai lần (xét xử hai lần) cho cùng một tội bởi cùng một chính phủ. Tuy nhiên họ có thể bị xét xử lần thứ hai nếu bồi thẩm đoàn không thể nhất trí về lời tuyên án, nếu vụ án bị coi là sai vì một số lý do, hoặc nếu họ yêu cầu một phiên tòa xét xử mới. Điều sửa đổi này cũng bảo đảm rằng một người không thể bị buộc phải làm chứng chống lại chính mình. Điều khoản về quy trình tố tụng đúng, tuyên bố rằng không một người nào bị tước đi cuộc sống, tự do hay tài sản mà không có “một tiến trình tố tụng đúng” là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp. Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 giữ nguyên các cụm từ này nhằm hạn chế quyền hạn của các bang. Cụm từ này phản ánh ý tưởng cho rằng cuộc sống, tự do hay tài sản của một người không phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhiệm ý của các quan chức chính phủ. Ý tưởng này có nguồn gốc từ bộ Magna Carta, quy định rằng quốc vương Anh không thể bắt giam hay làm hại một người “trừ khi do phán quyết theo luật pháp của các Thượng Nghị sỹ hoặc theo luật của đất nước". Tòa án Tối cao đã áp dụng điều khoản về quy trình tố tụng đúng – đây là một khoản trong Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 hạn chế quyền hạn của các bang – trong nhiều tình huống khác nhau. Cho đến giữa thế kỷ XIX, tòa án đã sử dụng điều khoản về quy trình tố tụng đúng để chống lại các điều luật ngăn cản nhân dân sử dụng tài sản của họ theo ý muốn. Ngày nay, tòa án sử dụng điều khoản về quy trình tố tụng đúng để chống lại các điều luật can thiệp vào quyền tự do cá nhân. Điều sửa đổi này cũng nghiêm cấm chính phủ lấy tài sản của cá nhân kể cả vì mục đích công mà không có khoản đền bù xứng đáng. Quyền lấy tài sản cá nhân sử dụng cho mục đích công của chính phủ được gọi là quyền sung công tài sản. Các chính phủ sử dụng nó nhằm đòi đất tư để xây dựng quốc lộ, trường học và các cơ sở hạ tầng công cộng khác, tuy nhiên họ phải trả cho chủ sở hữu đất một khoản đền bù công bằng.

Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 6 QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG BẰNG

Trong mọi trường hợp truy tố hình sự, bị cáo có quyền được xét xử một cách nhanh chóng và công khai bởi một Bồi thẩm đoàn công bằng của bang hoặc khu vực nơi tội trạng xảy ra, nơi đã được pháp luật chỉ định trước; bị cáo phải được thông báo về tính chất và lý do buộc tội, được đối chất với các nhân chứng chống lại mình, được quyền triệu tập những nhân chứng để biện minh và được sự giúp đỡ của luật sư bào chữa.

CHÚ THÍCH: Một người bị buộc tội phải được xét xử công khai và thích hợp bởi một bồi thẩm đoàn vô tư không thành kiến. Yêu cầu có một phiên tòa công khai và nhanh chóng nảy sinh từ một thực tế là một vài vụ án chính trị ở Anh đã bị trì hoãn trong nhiều năm và sau đó được tổ chức xét xử bí mật. Những người bị buộc tội phải được thông báo về lời buộc tội chống lại họ và phải được phép gặp trực tiếp các nhân chứng chống lại họ. Nếu không, những người vô tội có thể bị trừng phạt nếu tòa án cho phép sử dụng lời khai của các nhân chứng vô danh làm bằng chứng. Điều sửa đổi này đảm bảo rằng các cá nhân bị xét xử có thể gặp mặt và kiểm tra chéo những người buộc tội họ. Cuối cùng, những người bị buộc tội phải có một luật sư bảo vệ cho họ nếu họ mong muốn như vậy. Nếu một bị đơn hình sự không thể thuê luật sư thì Tòa án Tối cao quy định phải chỉ định một luật sư đại diện cho người bị buộc tội đó.

Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 7 QUYỀN TRONG CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ

Trong những vụ kiện tụng theo thông luật, nếu giá trị tranh chấp quá 20 đôla, thì quyền được xét xử bởi Bồi thẩm đoàn sẽ được tôn trọng và không một vụ việc nào đãđược Bồi thẩm đoàn xét xử lại phải xem xét lại lần nữa ở bất cứ tòa án nào của Hoa Kỳ, mà phải căn cứ theo các quy tắc của thông luật.

CHÚ THÍCH: Điều bổ sung sửa đổi thứ 6 yêu cầu các vụ án hình sự phải được xử án có hội thẩm. Điều bổ sung sửa đổi thứ 7 yêu cầu tương tự cho các vụ án dân sự nếu chi phí xử án lớn hơn 20 đô-la Mỹ. Điều sửa đổi này chỉ áp dụng cho các tòa án liên bang. Tuy nhiên, hầu hết hiến pháp của các bang đều yêu cầu xét xử có hội thẩm cho các vụ kiện dân sự cũng như hình sự.

Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 8 TIỀN BẢO LÃNH, TIỀN PHẠT VÀ HÌNH PHẠT

Không đòi hỏi những khoản tiền bảo lãnh quá cao, không áp đặt những khoản tiền phạt quá mức và không áp dụng những hình phạt dã man và khác thường.

CHÚ THÍCH: Tiền bảo lãnh, tiền phạt và hình phạt phải công bằng và nhân đạo. Trong vụ Furman kiện Georgia, năm 1972 Tòa án Tối cao đã quy định rằng án tử hình, hình phạt sau đó đã thực hiện, đã vi phạm điều sửa đổi này. Tòa án cho rằng án tử hình là hình phạt tàn nhẫn và bất thường do nó không được áp dụng công bằng và thống nhất. Sau quyết định đó, nhiều bang đã thông qua điều luật mới về hình phạt tử hình được xây dựng nhằm phù hợp với sự phản đối của Tòa án Tối cao. Tòa án quy định rằng án tử hình có thể được thực hiện trong các trường hợp tử hình nếu áp dụng một số tiêu chuẩn nhất định để tránh áp dụng án tử hình một cách tuỳ tiện và thất thường.

Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 9 QUYỀN CỦA NHÂN DÂN

Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân.

CHÚ THÍCH: Một số người lo sợ rằng việc liệt kê các quyền trong Tuyên ngôn Nhân quyền sẽ được giải thích là các quyền khác không được liệt kê sẽ không được bảo vệ. Điều bổ sung sửa đổi này được thông qua nhằm ngăn cản các giải thích sai lầm như vậy.

Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 10 QUYỀN CỦA CÁC BANG VÀ CỦA NHÂN DÂN

Những quyền lực không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không bị ngăn cấm đối với các bang, thì thuộc về các bang cụ thể hoặc nhân dân.

CHÚ THÍCH: Điều sửa đổi này được thông qua nhằm cam đoan rằng chính phủ quốc gia sẽ không nuốt chửng các bang. Nó xác nhận rằng các bang hoặc nhân dân có tất cả các quyền lợi mà chính phủ quốc gia không có. Ví dụ, các bang có quyền quản lý các vấn đề như kết hôn và ly dị.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 11 CÁC VỤ KIỆN CHỐNG LẠI CÁC BANG Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 4/3/1794 và được thông qua vào ngày 7/2/1795.

Quyền lực tư pháp của Hoa Kỳ sẽ không được giải thích với mục đích mở rộng ra các vụ tố tụng về luật pháp hay công lý mà công dân của một bang khác hoặc công dân và đối tượng của một nước khác dựa vào đó để khởi kiện hoặc truy tố một bang của Hoa Kỳ.

CHÚ THÍCH: Điều sửa đổi này khiến cho công dân của một bang không thể kiện một bang khác ra tòa án liên bang. Điều sửa đổi này xuất phát từ vụ Chisholm kiện bang Georgia năm 1793, trong đó một người đàn ông từ Nam Carolina kiện bang Georgia về việc thừa kế. Bang Georgia cho rằng họ không thể bị kiện tại tòa án liên bang, tuy nhiên Tòa án Tối cao quy định rằng điều đó là có thể. Sau đó bang Georgia sẽ phát động một phong trào nhằm bổ sung điều sửa đổi này vào Hiến pháp. Tuy nhiên, các cá nhân vẫn có thể có các hành động chống lại chính quyền các bang tại tòa án liên bang để ngăn các chính quyền này không được tước bỏ các quyền hợp hiến của họ.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 12 BẦU TỔNG THỐNG VÀ PHÓ TỔNG THỐNG Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 9/12/1803 và được thông qua vào ngày 27/7/1804.

Các đại cử tri sẽ họp lại trong từng bang của họ và bằng lá phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. ít nhất một trong hai người này sẽ không phải là cư dân cùng một bang với họ. Họ sẽ ghi vào lá phiếu tên người được bầu là Tổng thống và trên lá phiếu khác tên người được bầu làm Phó Tổng thống. Và họ sẽ lập ra các bản danh sách khác nhau những người bầu cho Tổng thống, những người bầu cho phó Tổng thống và cả số phiếu bầu cho mỗi người. Họ sẽ ký xác nhận vào những danh sách này, niêm phong và chuyển lên Chính phủ Hoa Kỳ, trình lên Chủ tịch Thượng viện. Chủ tịch Thượng viện trước sự hiện diện của Thượng viện và Hạ viện, sẽ mở tất cả các hồ sơ đã được chứng nhận và các phiếu bầu sẽ được đem ra đếm. Người có số phiếu nhiều nhất trong cuộc bầu cử cho Tổng thống sẽ đắc cử Tổng thống nếu con số này là đa số trong tổng số đại cử tri được chỉ định; nếu không ai đạt số phiếu như vậy thì Hạ viện sẽ ngay lập tức bỏ phiếu bầu Tổng thống trong những người có số phiếu bầu cao nhất, nhưng không quá 3 người. Nhưng trong việc bầu Tổng thống này, việc bỏ phiếu sẽ được tính theo các bang, đại diện của mỗi bang có một phiếu bầu. Số đại biểu qui định để tiến hành việc này gồm một hoặc các thành viên của hai phần ba các bang và phải có đa số các bang. (Nếu Hạ viện đã được trao quyền bầu cử mà không bầu ra Tổng thống [trước ngày 4 tháng 3 tiếp theo], thì Phó Tổng thống sẽ là quyền Tổng thống, cũng giống như trường hợp Tổng thống qua đời hoặc không đủ năng lực như Hiến pháp quy định). Người có số phiếu bầu nhiều nhất cho Phó Tổng thống sẽ đắc cử Phó Tổng thống nếu số phiếu này là đa số phiếu của tổng số đại cử tri được chỉ định; nếu không có ai được đa số phiếu, thì Thượng viện sẽ căn cứ vào hai người có số phiếu cao nhất trong danh sách để bầu ra phó Tổng thống. Số đại biểu cần thiết cho mục đích này gồm hai phần ba trong tổng số thượng nghị sĩ và đa số trong tổng số là tiêu chuẩn cần thiết để chọn lựa. Người nào không đủ tiêu chuẩn hợp hiến để đảm nhận chức vụ Tổng thống thì cũng không đủ tiêu chuẩn để được chọn làm Phó Tổng thống Hoa Kỳ.

CHÚ THÍCH: Điều sửa đổi này quy định rằng các thành viên của Đại cử tri đoàn, được gọi là các đại cử tri, bầu một người làm Tổng thống và một người làm Phó Tổng thống. Điều sửa đổi này xuất phát từ cuộc bầu cử năm 1800. Lúc đó, mỗi đại cử tri bầu hai người, không xác định rõ bầu ai làm Tổng thống. Người nhận được nhiều phiếu nhất sẽ trở thành Tổng thống, và người có số phiếu thứ nhì sẽ làm Phó Tổng thống. Thomas Jefferson, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, và Aaron Burr, ứng cử viên phó tổng thống cũng của Đảng Dân chủ đã nhận được cùng một số lượng phiếu. Kết quả ngang bằng này đã đưa cuộc bầu cử vào Hạ viện do đảng đối lập, Đảng Liên bang, kiểm soát. Hạ viện cuối cùng đã chọn Jefferson nhưng quyết định mất quá nhiều thời gian khiến mọi người lo lắng rằng sẽ không thể chọn được Tổng thống trước ngày Lễ nhậm chức. Hạ viện cũng đã chọn một Tổng thống khác – John Quincy Adams vào năm 1825.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 13 BÃI BỎ CHẾ ĐỘ NÔ LỆ Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 31/1/1865 và được thông qua vào ngày 6/12/1865.

Khoản 1

Không một chế độ nô lệ hoặc lao dịch cưỡng bức nào có thể tồn tại ở Hoa Kỳ hoặc ở một nơi nào thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ, trừ trường hợp trừng phạt thích đáng đối với tội phạm hình sự mà đương sự phạm phải.

CHÚ THÍCH: Tuyên bố Giải phóng Nô lệ của Tổng thống Abraham Lincoln năm 1863 đã giải thoát cho các nô lệ tại Hợp bang vẫn còn đang nổi loạn. Điều sửa đổi này hoàn tất việc bãi bỏ chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ.

Khoản 2

Quốc hội sẽ có quyền thực thi điều này bằng quyền lập pháp tương ứng.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 QUYỀN CÔNG DÂN Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 13/6/1866 và được thông qua vào ngày 9/7/1868.

Khoản 1

Tất cả những người sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ hoặc được nhập quốc tịch ở Hoa Kỳ và thuộc thẩm quyền tài phán ở đó, đều là công dân của Hoa Kỳ và của bang mà họ sinh sống. Không một bang nào được ban hành hoặc thực thi bất cứ đạo luật nào nhằm hạn chế đặc quyền hoặc quyền bất khả xâm phạm của công dân Hoa Kỳ. Cũng không một bang nào có thể tước đoạt sinh mệnh, tự do hoặc tài sản của một cá nhân mà không theo một quy trình do luật định. Cũng không thể phủ nhận quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng của một cá nhân trong phạm vi thẩm quyền tài phán của bang đó.

CHÚ THÍCH: Mục đích cơ bản của điều sửa đổi này là nhằm trao cho các nô lệ cũ quyền công dân của Hoa Kỳ lẫn các bang nơi họ sống và nhằm bảo vệ họ khỏi sự phân biệt đối xử của các bang. Các điều khoản trong điều sửa đổi này xác định rõ tư cách công dân có được như thế nào. Tư cách công dân của bang là một phần của tư cách công dân quốc gia. Bằng cách sống trong một bang, mọi công dân Hoa Kỳ sẽ tự động trở thành công dân của bang đó. Tất cả những người đã được nhập tịch (trao tư cách công dân) theo luật đều là công dân Hoa Kỳ. Bất cứ ai được sinh ra tại Hoa Kỳ cũng là một công dân của quốc gia này bất kể quốc tịch của bố mẹ, trừ khi bố mẹ họ là đại diện ngoại giao của nước khác hoặc là kẻ thù trong thời kỳ chiếm đóng của chiến tranh. Các trường hợp như vậy được coi là các ngoại lệ do bố mẹ của họ không phải là “đối tượng của quyền tài phán” của Hoa Kỳ. Điều sửa đổi này không trao tư cách công dân cho những người Mỹ thổ dân đang sống trong các vùng bảo tồn, tuy nhiên Quốc hội đã thông qua một điều luật cho phép trao quyền công dân cho họ. Cụm từ "tiến trình tố tụng đúng" được giải thích là nhằm nghiêm cấm các bang vi phạm hầu hết các quyền mà Tuyên ngôn Nhân quyền bảo vệ khỏi sự hạn chế của chính phủ liên bang. Nó cũng được giải thích là nhằm bảo vệ các quyền khác bằng chính hiệu lực của nó. Tuyên bố rằng một bang không thể từ chối bất cứ ai “sự bảo vệ bình đẳng của pháp luật” đã đặt ra nền tảng cho nhiều quy định của Tòa án Tối cao về quyền công dân. Ví dụ, vụ án năm 1954 (Brown kiện Ban Giáo dục) đã tuyên bố sự phân biệt chủng tộc trong các trường công lập chính là sự phủ nhận đối với nguyên tắc bảo vệ bình đẳng theo pháp luật. Sau đó Tòa án Tối cao đã quy định rằng bất cứ dạng phân biệt chủng tộc nào được các chính quyền ủng hộ đều trái với Hiến pháp.

Khoản 2

Số Hạ nghị sĩ được phân chia theo tổng số nhân khẩu của các tiểu bang, [ngoại trừ những người da đỏ không phải nộp thuế]. Nhưng trong bất cứ một cuộc bầu cử đại cử tri (để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ), bầu cử các Hạ nghị sĩ trong Quốc hội, các quan chức hành pháp và tư pháp của bang hoặc các thành viên của cơ quan lập pháp nơi đó, nếu quyền bầu cử của nam công dân tuổi 21 và là công dân Hoa Kỳ bị phủ nhận hoặc hoặc bị tước bỏ vì lý do nào đó (không kể trường hợp những người tham gia phiến loạn hoặc phạm các tội khác), thì số đại cử tri ở đó sẽ bị giảm bớt theo tỷ lệ giữa tổng số nam công dân và số nam công dân ở độ tuổi 21 tại bang đó.

CHÚ THÍCH: Phần này đề xuất hình phạt đối với các bang từ chối trao quyền bầu cử trong các cuộc bầu cử liên bang cho tất cả các công dân nam giới trưởng thành. Các bang hạn chế việc bầu cử có thể bị giảm số đại biểu của họ tại Hạ viện. Hình phạt này chưa bao giờ được thực hiện. Phần này đã được hủy bỏ bởi Điều bổ sung sửa đổi thứ 19 và 26.

Khoản 3

Những ai với tư cách là thành viên của Quốc hội, hoặc một quan chức của Hoa Kỳ, hoặc một thành viên của một cơ quan lập pháp của bang, hoặc quan chức hành chính hay tư pháp của bất cứ một bang nào đã tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp của Hoa Kỳ nhưng lại tham gia các cuộc nổi dậy hay phiến loạn chống lại Hiến pháp hoặc trợ giúp hay úy lạo kẻ thù, thì không thể là thượng nghị sĩ hoặc hạ nghị sĩ trong Quốc hội, hoặc đại cử tri để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, hoặc phụ trách một cơ quan dân sự hay quân sự nào của Hoa Kỳ hay của một bang nào đó. Nhưng Quốc hội có thể với 2/3 số phiếu của hai phần ba thành viên mỗi Viện để bác bỏ sự nghiêm cấm nói trên.

CHÚ THÍCH: Phần này chỉ đáng quan tâm về mặt lịch sử. Mục đích của nó là nhằm ngăn cản các quan chức liên bang đã từng tham gia vào Hợp bang không được trở thành quan chức liên bang nữa.

Khoản 4

Giá trị của những khoản nợ công cộng của Hoa Kỳ, được luật pháp đảm bảo, kể cả những khoản nợ để trả cho các khoản phụ cấp và tiền thưởng cho công việc phục vụ trấn áp các cuộc nổi dậy và phiến loạn, không bị chất vấn. Tuy nhiên Hoa Kỳ và bất cứ bang nào đều không thừa nhận hoặc thanh toán các khoản nợ hay trái vụ liên quan tới sự hỗ trợ các cuộc nổi dậy và phiến loạn chống lại Hoa Kỳ, hoặc đối với những yêu cầu bồi thường cho tình trạng mất mát nô lệ hoặc giải phóng nô lệ. Những khoản tiền, nghĩa vụ và yêu cầu loại này phải bị coi là phi pháp và không có giá trị.

CHÚ THÍCH: Phần này đảm bảo rằng các khoản nợ trong thời kỳ Nội chiến của Liên bang sẽ được thanh toán, tuy nhiên các khoản nợ của Hợp bang sẽ mất hiệu lực. Phần này cũng nói rằng các chủ nô cũ sẽ không được thanh toán cho các nô lệ đã được giải phóng.

Khoản 5

Bằng luật lệ thích hợp, Quốc hội có quyền triển khai xem xét điều khoản này.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 15 QUYỀN BỎ PHIẾU CỦA NGƯỜI MỸ GỐC PHI Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 26/2/1869 và được thông qua vào ngày 3/2/1870.

Khoản 1

Quyền bầu cử của các công dân Hoa Kỳ sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế, dựa vào lý do chủng tộc, màu da hay tình trạng nô lệ trước đây.

CHÚ THÍCH: Những người Mỹ gốc Phi từng là nô lệ đã trở thành công dân theo các điều khoản của Điều bổ sung sửa đổi thứ 14. Điều bổ sung sửa đổi thứ 15 nghiêm cấm các bang không được từ chối trao quyền bầu cử cho các công dân vì lí do chủng tộc. Một vài bang miền Nam đã từ chối trao quyền bầu cử cho những người Mỹ gốc Phi mặc dù có Điều sửa đổi này cho đến những năm 1960, khi Quốc hội thông qua các đạo luật buộc thực hiện Bản sửa đổi và Tòa án Tối cao tuyên bố các hành vi và thủ tục pháp lý trái với Hiến pháp là các hành vi mà kết quả của chúng vi phạm các quy định của Hiến pháp.

Khoản 2

Quốc hội sẽ có quyền triển khai điều khoản này bằng luật lệ thích hợp.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 16 THUẾ THU NHẬP Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 12/7/1909 và được thông qua vào ngày 3/2/1913.

Quốc hội sẽ có quyền ban hành và thu các khoản thuế thu nhập có từ bất cứ nguồn nào mà không phân bổ tỷ lệ giữa các bang và không dựa vào bất cứ sự thống kê và điều tra dân số nào.

CHÚ THÍCH: Năm 1894, Quốc hội thông qua luật thuế thu nhập, nhưng Tòa án Tối cao tuyên bố rằng đó là thuế trực tiếp và phải được phân bố cho các bang và do vậy khiến việc thu thuế là không thể thực hiện được. Điều sửa đổi này cho phép Quốc hội thu thuế thu nhập mà không phải phân bố đều.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 17 BẦU CỬ TRỰC TIẾP THƯỢNG NGHỊ SỸ Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 13/5/1912 và được thông qua vào ngày 8/4/1913.

(1) Thượng viện của Hoa Kỳ sẽ gồm có hai thượng nghị sĩ của mỗi bang do dân chúng ở đó bầu ra với nhiệm kỳ 6 năm và mỗi thượng nghị sĩ sẽ có một lá phiếu biểu quyết. Ðại cử tri ở mỗi bang phải có đủ phẩm chất cần thiết như là phẩm chất của đại cử tri ở bang có cơ quan lập pháp đông đảo nhất.

(2) Khi có chỗ trống trong số đại diện của tiểu bang trong Thượng viện, cơ quan hành pháp của bang đó sẽ ban hành lệnh bầu cử để bổ sung vào chỗ trống, với điều kiện là cơ quan lập pháp của bang đó trao quyền tạm thời cho cơ quan hành pháp cho đến khi nhân dân bầu chọn được người bổ sung vào những chỗ trống theo luật lệ sẵn có.

(3) Ðiều khoản này sẽ không được giải thích làm ảnh hưởng đến việc bầu cử hoặc nhiệm kỳ của thượng nghị sĩ được bầu ra, cho đến khi nó có hiệu lực như một bộ phận của Hiến pháp.

CHÚ THÍCH: Điều sửa đổi này lấy quyền bầu cử các Thượng Nghị sỹ từ tay cơ quan lập pháp của bang trao cho các cử tri của bang.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 18 LUẬT CẤM RƯỢU Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 18/12/1917 và được thông qua vào ngày 16/1/1919.

Khoản 1

[Một năm sau khi phê chuẩn điều khoản này của Hiến pháp, việc sản xuất, mua bán hoặc chuyên chở các loại rượu có cồn ở trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài, xuất khẩu từ Hoa Kỳ và các lãnh thổ thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ đều bị cấm.

Khoản 2

Quốc hội và các bang có quyền lực như nhau khi triển khai điều khoản này của Hiến pháp.

Khoản 3

Ðiều khoản này sẽ không có hiệu lực trừ phi được phê chuẩn bởi cơ quan lập pháp của các bang như một điều bổ sung của Hiến pháp trong vòng 7 năm kể từ ngày Quốc hội chuyển đến các bang như Hiến pháp quy định].

CHÚ THÍCH: Đây là điều bổ sung sửa đổi lệnh cấm nhằm ngăn cấm nhân dân pha chế, bán hoặc vận chuyển rượu. Điều này đã bị hủy bỏ bởi Điều bổ sung sửa đổi thứ 21 năm 1933.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 19 QUYỀN BẦU CỬ CỦA PHỤ NỮ Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 4/6/1919 và được thông qua vào ngày 18/8/1920.

Khoản 1

Quyền bầu cử của các công dân Hoa Kỳ sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế bởi Liên bang hoặc bất cứ bang nào với lý do giới tính.

Khoản 2

Quốc hội có quyền thực hiện điều khoản này bằng luật lệ thích hợp.

CHÚ THÍCH: Các điều sửa đổi nhằm trao quyền bầu cử cho phụ nữ đã lần lượt được trình trước Quốc hội trong hơn 40 năm trước khi điều sửa đổi này cuối cùng đã được thông qua.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 20 CÁC ĐIỀU KHOẢN VỀ TỔNG THỐNG VÀ QUỐC HỘI Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 2/3/1932 và được thông qua vào ngày 23/1/1933.

Khoản 1

Nhiệm kỳ của Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ kết thúc vào đúng trưa ngày 20 tháng giêng, và nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ sẽ kết thúc vào đúng trưa của ngày 3 tháng giêng của năm mà những nhiệm kỳ trên sẽ kết thúc, nếu điều khoản này vẫn chưa được phê chuẩn và nhiệm kỳ của những người kế nhiệm họ sẽ bắt đầu từ thời điểm đó.

Khoản 2

Quốc hội sẽ họp ít nhất mỗi năm một lần và kỳ họp sẽ bắt đầu vào giữa trưa ngày 3 tháng giêng, trừ trường hợp họ có thể căn cứ vào luật để xác định một ngày khác.

Khoản 3

Nếu vào thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ đã được ấn định mà Tổng thống đắc cử qua đời, thì Phó Tổng thống đắc cử sẽ trở thành Tổng thống. Nếu trước thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ đã được ấn định mà Tổng thống chưa đắc cử hoặc Tổng thống đã đắc cử nhưng không đủ tư cách, thì Phó Tổng thống đắc cử sẽ đảm đương cương vị Tổng thống cho đến khi Tổng thống được xác định là có đủ tư cách. Quốc hội có thể căn cứ vào luật để quyết định về trường hợp khi cả Tổng thống đắc cử và Phó Tổng thống đắc cử đều không đủ điều kiện, tuyên bố ai sẽ đứng ra đảm đương quyền Tổng thống hoặc xác định cách thức để chọn người đảm đương chức vụ Tổng thống cho đến khi Tổng thống hay Phó Tổng thống có đủ tư cách.

Khoản 4

Quốc hội có thể căn cứ vào luật để quy định trong trường hợp có sự qua đời của bất cứ cá nhân nào trong những người mà Hạ viện có thể chọn làm Tổng thống khi Hạ viện đưưược trao quyền lựa chọn đó; và trong trường hợp có sự qua đời của bất cứ cá nhân nào trong những người mà Thượng viện có thể chọn làm Phó Tổng thống khi Thượng viện đưưược trao quyền lựa chọn đó.

Khoản 5

Khoản 1 và khoản 2 sẽ có hiệu lực bắt đầu vào ngày 15 tháng 10 sau khi điều khoản này được phê chuẩn.

Khoản 6

Ðiều này của Hiến pháp sẽ không có hiệu lực trừ phi được phê chuẩn như những điều bổ sung của Hiến pháp bởi cơ quan lập pháp của ba phần tư các tiểu bang trong 7 năm kể từ ngày được đệ trình.

CHÚ THÍCH: Điều sửa đổi này, được gọi là điều sửa đổi về viên chức sắp mãn nhiệm, chuyển ngày nhậm chức của Tổng thống và các thành viên Quốc hội mới được bầu gần hơn với thời gian bầu cử. “Viên chức sắp mãn nhiệm” là một quan chức vẫn phải tiếp tục làm việc mặc dù không được bầu lại. Trước khi điều sửa đổi này có hiệu lực, các thành viên Quốc hội và tổng thống không được bầu lại trong cuộc bầu cử tháng 11 vẫn phải tiếp tục giữ cương vị đó cho đến tháng 3 năm sau.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 21 HỦY BỎ CÁC LỆNH CẤM Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 20/2/1933 và được thông qua vào ngày 5/12/1933.

Khoản 1

Kể từ nay, điều bổ sung sửa đổi số 18 của Hiến pháp bị bãi bỏ.

Khoản 2

Việc chuyên chở hay nhập khẩu nhằm cung cấp và sử dụng rượu có cồn ở bất cứ bang nào hoặc lãnh thổ và vùng thuộc sở hữu của Hoa Kỳ mà vi phạm luật ở những nơi đó sẽ bị nghiêm cấm.

Khoản 3

Ðiều này sẽ không có hiệu lực trừ phi nó được các đại hội của các bang phê chuẩn như một điều bổ sung của Hiến pháp, theo qui định của Hiến pháp, trong vòng 7 năm kể từ ngày Quốc hội chuyển đến các bang.

CHÚ THÍCH: Điều sửa đổi này chỉ đơn giản hủy bỏ Điều bổ sung sửa đổi thứ 18.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 22 GIỚI HẠN NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG TRONG HAI NHIỆM KỲ Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 24/3/1947 và được thông qua vào ngày 27/2/1951.

Khoản 1

Không người nào được bầu giữ chức vụ Tổng thống quá hai nhiệm kỳ và không người nào đã đảm đương chức vụ Tổng thống hoặc là quyền Tổng thống quá hai năm trong nhiệm kỳ mà người khác đã đắc cử Tổng thống sẽ được bầu vào chức vụ Tổng thống hơn một nhiệm kỳ. Nhưng điều khoản này không áp dụng đối với những người đang giữ chức Tổng thống khi điều khoản này được Quốc hội đề nghị và sẽ không ngăn cản bất cứ ai có thể giữ chức Tổng thống hoặc quyền Tổng thống trong thời gian điều khoản này có hiệu lực đúng vào nhiệm kỳ của họ, vì vậy họ sẽ tiếp tục cương vị Tổng thống hay quyền Tổng thống trong thời gian nhiệm kỳ còn lại.

Khoản 2

Ðiều này sẽ không có hiệu lực trừ phi nó sẽ được cơ quan lập pháp của ba phần tư các bang phê chuẩn như một điều bổ sung vào Hiến pháp trong vòng 7 năm kể từ ngày Quốc hội chuyển tới các bang.

CHÚ THÍCH: Điều sửa đổi này quy định rằng không ai được bầu làm Tổng thống hơn hai lần. Không có Tổng thống nào đã từng giữ cương vị của mình nhiều hơn hai năm so với nhiệm kỳ của các tổng thống khác được bầu hơn một lần. Một Tổng thống có thể giữ cương vị đó trong hơn 10 năm. Điều sửa đổi này được những người cho rằng Tổng thống Franklin D. Roosevelt không nên hoạt động trong bốn nhiệm kỳ ủng hộ. Không có Tổng thống nào khác được ra tranh cử trong hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 23 QUYỀN BẦU CỬ TRONG QUẬN COLUMBIA Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 16/6/1960 và được thông qua vào ngày 29/3/1961.

Khoản 1

Các địa hạt cấu thành nên các khu vực bầu cử chính quyền của Hoa Kỳ sẽ được tổ chức theo thể thức mà Quốc hội quy định như sau:

Số đại cử tri bầu Tổng thống và Phó Tổng thống mà các địa hạt có được bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ trong Quốc hội, nếu đó là một bang, nhưng nếu số đại cử tri không nhiều hơn so với bang ít dân số nhất, thì họ sẽ được ghép vào số đại cử tri do các bang bổ nhiệm, nhưng xuất phát từ mục đích của cuộc bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, thì họ sẽ được coi là các đại cử tri do một bang bổ nhiệm, và họ sẽ họp với nhau ở khu vực bầu cử và hoàn thành trách nhiệm do điều 12 của Hiến pháp qui định.

Khoản 2

Quốc hội có quyền đem lại hiệu lực cho điều khoản này bằng luật lệ phù hợp.

CHÚ THÍCH: Điều sửa đổi này cho phép các công dân của Quận Columbia được bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, họ không có thành viên nào trong Quốc hội để bầu.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 24 THUẾ BẦU CỬ Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 27/8/1962 và được thông qua vào ngày 23/1/1964.

Khoản 1

Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ trong các vòng bầu cử sơ bộ, hoặc trong các cuộc bầu cử Tổng thống hay Phó Tổng thống, cuộc bầu đại cử tri để bầu Tổng thống, Phó Tổng thống, thượng nghị sĩ hay hạ nghị sĩ trong Quốc hội, sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế bởi Hoa Kỳ hay một bang nào với lý do không có khả năng nộp thuế thân hoặc thuế khác.

Khoản 2

Quốc hội có quyền thực thi điều này bằng luật lệ phù hợp.

CHÚ THÍCH: Điều sửa đổi này nghiêm cấm một bang buộc các cử tri phải nộp thuế thân hay thuế bầu cử trước khi họ có thể bầu cử trong cuộc bầu cử quốc gia. Tòa án Tối cao đã giải thích điều khoản bảo vệ bình đẳng của Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 là nhằm ngăn cấm việc đánh thuế bầu cử trong các cuộc bầu cử bang. Thuật ngữ thuế bầu cử (poll tax) không có nghĩa là thuế đánh vào việc bầu cử. Nó xuất phát từ một từ Anh cổ “poll” có nghĩa là “đầu”. Một vài bang đã từng sử dụng các loại thuế như vậy để ngăn cản những người nghèo và người Mỹ gốc Phi không được bầu cử.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 25 TỔNG THỐNG BỊ TÀN PHẾ VÀ VIỆC KẾ NHIỆM Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 6/7/1965 và được thông qua vào ngày 10/2/1967.

Khoản 1

Trong trường hợp Tổng thống bị phế truất, qua đời hoặc từ chức, Phó Tổng thống sẽ trở thành Tổng thống.

Khoản 2

Trong trường hợp vị trí Phó Tổng thống bị bỏ trống, Tổng thống sẽ chỉ định một người làm Phó Tổng thống, nhưng phải được đa số phiếu bầu của cả hai viện trong Quốc hội.

CHÚ THÍCH: Phần này quy định việc bổ sung chỗ khuyết trong chức danh phó tổng thống. Năm 1973, Gerald R. Ford trở thành Phó Tổng thống đầu tiên được chọn theo các điều khoản của sửa đổi này. Ông được Tổng thống Richard M. Nixon bổ nhiệm sau khi Phó Tổng thống Spiro T. Agnew từ chức. Năm 1974, Nixon từ chức và Ford trở thành Tổng thống. Nelson A. Rockefeller sau đó trở thành Phó Tổng thống theo thủ tục mới. Lần đầu tiên, nước Mỹ có cả Tổng thống và Phó Tổng thống không phải do được bầu cử vào cương vị đó. Trước khi điều sửa đổi này có hiệu lực, các chỗ khuyết trong chức vị phó tổng thống thường để trống cho đến kỳ bầu cử tổng thống tiếp theo.

Khoản 3

Trong trường hợp Tổng thống chuyển đến Chủ tịch lâm thời của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản tuyên bố rằng Tổng thống không thể thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình và cho đến khi Tổng thống chuyển đến họ một văn bản với nội dung ngược lại thì những quyền lực và trách nhiệm đó sẽ do Phó Tổng thống thực thi với tư cách quyền Tổng thống.

CHÚ THÍCH: Phần này quy định rằng Phó Tổng thống kế nhiệm chức vụ tổng thống nếu Tổng thống bị tàn phế. Phó Tổng thống George H. W. Bush trở thành quyền Tổng thống đầu tiên. Ông chính thức giữ cương vị này trong tám giờ đồng hồ ngày 13/7/1985, khi Tổng thống Ronald Reagan phẫu thuật ung thư.

Khoản 4

Trong mọi trường hợp khi Phó Tổng thống và đa số các quan chức chủ yếu của cơ quan hành pháp hay cơ quan tương đương nào khác mà Quốc hội đã quy định bằng luật, chuyển lên Chủ tịch lâm thời của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản của họ tuyên bố rằng Tổng thống không thể thực thi những quyền lực và trách nhiệm của mình, thì Phó Tổng thống sẽ ngay lập tức nắm quyền lực và trách nhiệm đó với tư cách quyền Tổng thống.

Sau đó, khi Tổng thống chuyển lên quyền Chủ tịch của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản tuyên bố về năng lực của mình, Tổng thống có thể tiếp tục thực thi quyền lực và nhiệm vụ với điều kiện trong vòng 4 ngày Phó Tổng thống và đa số các quan chức chủ yếu của cơ quan hành pháp hay cơ quan tương đương mà Quốc hội đã qui định chuyển đến Chủ tịch lâm thời của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản tuyên bố về việc Tổng thống có đủ năng lực thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình. Nếu không phải trong kỳ họp, trong vòng 48 tiếng đồng hồ Quốc hội sẽ phải họp để giải quyết vấn đề đó. Nếu Quốc hội trong vòng 21 ngày sau khi nhận được văn bản tuyên bố nói trên hoặc nếu vào thời điểm đó không phải là kỳ họp thì trong vòng 21 ngày, Quốc hội phải họp để với hai phần ba số phiếu của cả hai Viện quyết định về việc Tổng thống không thể thực thi các quyền và trách nhiệm của mình, và Phó Tổng thống sẽ tiếp tục thực thi công việc đó với tư cách là quyền Tổng thống, trong trường hợp ngược lại, Tổng thống sẽ tiếp tục thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 26 QUYỀN BẦU CỬ CHO NHỮNG NGƯỜI ĐỦ 18 TUỔI Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 23/3/1971 và được thông qua vào ngày 1/7/1971.

Khoản 1

Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ từ 18 tuổi trở lên sẽ không bị tước bỏ hoặc hạn chế bởi Liên bang hay bất cứ bang nào với lý do tuổi tác.

Khoản 2

Quốc hội có quyền thực hiện điều này bằng luật lệ thích hợp.

CHÚ THÍCH: Điều sửa đổi này nghiêm cấm các bang từ chối quyền bầu cử của các công dân do tuổi của họ nếu họ đã đủ 18 tuổi trở lên.

Điều bổ sung sửa đổi thứ 27 LƯƠNG CỦA THÀNH VIÊN QUỐC HỘI Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 25/9/1789 và được thông qua vào ngày 7/5/1992.

Trước cuộc bầu cử hạ nghị sĩ, không một điều luật nào nhằm thay đổi các khoản trợ cấp cho công việc của thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ sẽ có hiệu lực.

CHÚ THÍCH: Điều sửa đổi này đầu tiên được James Madison đề xuất, đã được Quốc hội thông qua năm 1789 và đệ trình cho các bang phê chuẩn, nhưng sau 200 năm nó vẫn chưa được phê chuẩn bởi 38 bang theo điều kiện cần thiết. Chỉ trích của dư luận về vấn đề lương cho thành viên quốc hội tăng lên khiến bang Michigan phê chuẩn điều sửa đổi này vào ngày 7/5/1992, là bang phê chuẩn thứ 38. Điều sửa đổi này đảm bảo rằng nếu các Thượng Nghị sỹ hay các Hạ Nghị sỹ bỏ phiếu yêu cầu tăng lương thì chỉ có thành viên của các Quốc hội sau đó (có thể bao gồm cả các cựu thành viên lẫn những thành viên mới được bầu) mới được hưởng lợi từ việc tăng lương này.


Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 7/2004

Phỏng theo TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA WORLD BOOK, bản quyền của Công ty World Book năm 2004. Được phép của Nhà xuất bản. Địa chỉ trên Internet: ww.worldbook.com

Bản dịch của Đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt nam

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading